» » Ứng phó biến đổi khí hậu: ĐBSCL phải bảo vệ lúa và thủy sản

VINAGRI News - Lúa và thủy sản được các chuyên gia gợi ý xem như là trọng tâm của ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.


Đây là ý kiến của các nhà khoa học tại hội thảo: “Kế hoạch châu thổ sông Cửu Long, phiên bản 2- MDP V.02” vào hôm 5-12 tại Tiền Giang. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi sự kiện sẽ diễn ra tại diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL - Tiền Giang 2012 (MDEC- Tiền Giang 2012), từ ngày 5 đến 9-12. 

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 2 lĩnh vực cần được quan tâm trong quy hoạch khu vực ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa hè thu - Ảnh: Trung Chánh

Quy hoạch cả trăm năm là quá dài

Theo ông Phậm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện tư vấn và phát triển, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, nước biến dâng ngày càng diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL.

Trước tình hình trên, Hiệp định đối tác chiến lược (SPA) về thích ứng biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và Hà Lan, trong đó, xây dựng kế hoạch châu thổ sông Cửu Long (MDP) tầm nhìn đến năm 2100 là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hiệp định này.

Qua 2 lần đưa ra lấy kiến (trước đó vào ngày 30-4), nhiều nhà khoa học Việt Nam cho biết bản dự thảo này vẫn còn nhiều điểm cần phải lưu ý.

Giáo sư- tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cho biết: “Tôi nghĩ các chuyên gia nước ngoài (chuyên gia Hà Lan - PV) giúp Việt Nam quy hoạch phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh thích ứng biến đổi là điều kiện tốt. Tuy nhiên, đến bây giờ quy hoạch đưa ra trong phiên bản 2 (MDP V.02) này vẫn còn nhiều điểm chưa xác với thực tế của ĐBSCL”.

Theo ông Trân, MDP V.02 được đưa ra trong giai đoạn hiện nay, tầm nhìn đến năm 2100 đối với ĐBSCL- một đồng bằng trẻ là một thời gian quá dài. “Chúng ta thấy dãy đất ở mũi Cà Mau nó bồi lắng, lở đi từng ngày như thế nào? Hay sạt lở bờ sông ở Đồng Tháp như thế nào? Thành ra, tôi nghĩ thời gian quy hoạch 100 năm này cần phải được cân nhắc lại”, ông Trân cho biết.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho biết MDP V.02 không nêu được những yếu tố lưu ý về vấn đề rừng ngập nước (cả rừng ngập mặn, ngọt, lợ) và các hệ sinh thái đầm lầy, hệ thống trảng cỏ ngập nước quanh năm và theo mùa…

“Việc phá rừng nuôi tôm là một trong những tác nhân chính dẫn đến xâm nhập mặn, sạt lở hệ thống đê biển trong những năm qua ở ĐBSCL”, ông Trân cho biết.

Ý kiến đánh giá của các nhà khoa học tại hội thảo, cho biết cần phải nghiên cứu kỹ, tránh bỏ soát những yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến ĐBSCL bởi theo ông Trân, ĐBSCL có một mặt tiếp giáp với biển, một mặt tiếp giáp với vịnh Thái Lan nên nguy cơ bị ngập khi nhiệt độ tăng, nước biên dâng sẽ rất lớn.

Quy hoạch với trọng tâm bảo vệ lúa gạo, thủy sản

Ông Bùi Ngọc Sương, Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết mặc dù diện tích đất nông nghiệp và thủy sản của ĐBSCL chiếm chưa tới 30% diện tích của cả nước nhưng hàng năm khu vực ĐBSCL mang lại cho đất nước hơn 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 54% sản lượng thủy sản.

“Dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng lớn, liệu vựa lúa và vùng sản xuất thủy sản của ĐBSCL có còn là trụ cột trong phát triển kinh tế đất nước trong tương lai nữa hay không?”, ông Sương đặt vấn đề.

Theo ông Sương, ĐBSCL là 1 trong 5 vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu nhiều nhất trên thế giới, vì vậy cần có những quy hoạch đối phó với biến đổi khí hậu theo định hướng bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

“ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn của cả nước, mà còn cung cấp một lượng lớn gạo cho xuất khẩu, tuy nhiên, trong vấn đề quy hoạch sản xuất cần phải tính đến yếu tố cơ cấu lịch thời vụ cho đúng bởi vì nếu chúng ta không tính đến yếu tố này mà đấp đê bao, tăng vụ sẽ rất nguy hiểm”, ông Trân cho biết.

Theo ý kiến phát biểu của nhiều nhà chuyên môn tại hội thảo, sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 2 thế mạnh chủ lực của ĐBSCL, có đóng góp rất lớn vào GDP của đất nước, cho nên, việc quy hoạch khu vực ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mà trọng tâm phải bảo vệ được sản xuất lúa và thủy sản là mục tiêu quan trọng cần hướng đến.

Giáo sư- tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, cho biết có 2 giải pháp hạn chế tác động của biến đổi khí hâu:

Thứ nhất, ở cấp độ quốc gia, nên chuyển sang nền kinh tế xanh, một nền sản xuất ít thải ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thứ 2, ở cấp độ quốc tế, các quốc gia cần phải ngồi lại với nhau để đi đến thống nhất trong một thỏa thuận có trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: