VINAGRI News - Ngày 12.12, tại Bến Tre, Bộ NNPTNT tổ chức tổng kết nuôi tôm nước lợ năm 2012, bàn các giải pháp phát triển vụ nuôi năm 2013. Những gì diễn ra tại hội nghị và thực tế vụ nuôi năm 2012 cho thấy, con tôm nước lợ - đối tượng liên quan đến hàng triệu nông dân - vẫn chưa hết khó.
Niềm vui trúng mùa ngày càng thưa dần trên vùng đất được mệnh danh là “mỏ tôm” của cả nước.
Trong đó, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp khiến tôm nuôi chết hàng loạt.
Diện tích tôm chết tăng
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho thấy, năm 2012 cả nước thả nuôi 657.523ha, đạt sản lượng 476.424 tấn. So với năm 2011 diện tích tăng 0,2% , sản lượng giảm 3,9%; trong đó diện tích nuôi tôm sú (TS) là 619.355ha, đạt sản lượng 298.607 tấn (diện tích giảm 7,1%, sản lượng giảm 6,5%), tôm thẻ chân trắng (TCT): 38.169ha, đạt sản lượng 177.817 tấn (diện tích tăng 15,5%, sản lượng tăng 3,2%).
Năm 2012, TS chiếm 94,1% tổng diện tích nuôi tôm, 62,7% sản lượng tôm nuôi trong cả nước. Tôm TCT chiếm 5,9% diện tích, sản lượng chiếm 27,3%. Khu vực ĐBSCL là vùng nuôi tôm nước lợ chủ yếu của cả nước với diện tích nuôi 595.723ha, sản lượng 358.477 tấn (chiếm 90,61% diện tích, 75,2% sản lượng tôm nuôi cả nước); trong đó diện tích nuôi TS 579.997ha, sản lượng 280.647 tấn (chiếm 93,6 % diện tích, 94% sản lượng TS cả nước), diện tích nuôi tôm TCT 15.727ha, sản lượng 77.830 tấn (chiếm 41,2% diện tích, 42% sản lương tôm TCT cả nước).
Đây là năm nuôi tôm nước lợ gặp một số khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả: Dịch bệnh xảy ra trầm trọng trên diện rộng; thức ăn, vật tư ”đầu vào” đắt đỏ; giá mua tôm một số thời điểm thấp và còn rào cản thương mại về Ethoxyquin ở thị trường Nhật Bản. Năm 2012, cả nước có khoảng 100.776ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh (riêng TS 91.174ha) với các bệnh hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng... gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Các địa phương bị dịch bệnh nhiều nhất là Sóc Trăng thiệt hại 23.371,5ha (56,6% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu 16.919ha (thiệt hại trên 50% 8.377ha, thiệt hại dưới 50% 8.542ha); Bến Tre thiệt hại 2.237ha nuôi thâm canh - bán thâm canh (29,06% diện tích thả nuôi), Trà Vinh - 12.200ha (49,3% diện tích), Cà Mau diện tích tôm nuôi công nghiệp bị bệnh 958,58ha, tăng trên 420ha so với năm 2011 (bệnh hoại tử gan tụy 650,02ha; đốm trắng 308,56ha).
Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu, tổng số tiền nông dân thiệt hại lên đến 4.000 tỉ đồng, còn Sóc Trăng trên 3.5000 tỉ đồng, Cà Mau gần 1.000 tỉ đồng... Những đầm tôm nuôi bị thiệt hại, người dân không dám thả nuôi khiến cuộc sống vô cùng khó khăn.
Phập phồng mùa tôm mới
Năm 2013, Cục Thủy sản chỉ đưa chỉ tiêu nuôi 655.000ha, bằng 96% so với năm 2012. Tuy nhiên, theo Cục Thủy sản nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rình rập trong vụ tôm mới 2013. Cụ thể, hội chứng viêm gan tụy nếu không được kiểm soát thì khó có khả năng vụ nuôi 2013 sẽ thắng lợi.
Trước đó, các viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản I, II, III; Viện Môi trường nông nghiệp và Cục Thú y (với sự chủ trì của Tổng cục Thuỷ sản) và sự hợp tác của Trường Đại học Cần Thơ, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hải dương học cùng các chuyên gia bệnh và môi trường thuỷ sản (GS Donal Lightner, Đại học Arizona, Hoa Kỳ), GS Tim Flegel, Đại Học Mahidol, Thái Lan), GS Claude Boyd, Đại học Auburn, Hoa Kỳ) đã tiến hành nghiêm cứu về căn bệnh này.
Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y đã phối hợp với các cơ quan khoa học trong và ngoài ngành chủ trì 3 hội thảo khoa học nghiên cứu nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi. Bước đầu xác định : Tôm giống chất lượng xấu (nhiễm Vibrio, có dấu hiệu bất thường gan tuỵ, thậm chí đã hoại tử gan tuỵ cấp), thả nuôi trong điều kiện môi trường bất lợi (hiện diện của thuốc bảo vệ thực vật, oxy hoà tan thấp, độ mặn cao, ô nhiễm hữu cơ...). Sự hiện diện của vi khuẩn Vibrio và phage dẫn đến gây chết sớm và hội chứng hoại tử gan tuỵ ở tôm nuôi.
Để vụ tôm mới đạt thắng lợi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần phải xử lý nghiêm những đối tượng cố tình đưa các chất gây nên bệnh hoại tử viêm gan tụy vào ao nuôi; xây dựng quy trình nuôi tôm an toàn sinh học; hướng dân nông dân chuẩn bị sẵn vật tư phòng chống dịch; kiểm soát chặt chất lượng tôm giống; cải tạo môi trường an toàn sinh học.
Bộ trưởng cũng chia sẻ với bà con về giá tôm nguyên liệu hiện nay và cho biết dự đoán thị trường trong năm tới vẫn chưa có chiều hướng tăng. Chính vì vậy người dân cũng cần chuẩn bị tâm lý trước những biến động về giá và điều kiện nuôi. Trước mắt, Bộ trưởng Bộ NNPTNT giao cho các cơ quan, viện trong vòng 1 tháng phải xác định cho được cơ chế gây bệnh hội chứng viêm gan tụy để có quy chuẩn ban hành rộng rãi cho người dân biết đề phòng nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất.
Nhật Hồ/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: