VINAGRI News - Trong khi nông dân đang thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3) và đông xuân sớm phải “khóc ròng” vì giá xuống thấp, sản xuất không có lãi, thì có nhiều ý kiến cho rằng, liệu chương tạm trữ lúa thí điểm tại 4 tỉnh ĐBSCL có giúp vực dậy được tình hình lúa gạo trong nước?
Nông dân sản xuất lúa thu đông và đông xuân sớm “khóc ròng” vì giá giảm mạnh. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang thu hoạch lúa thu đông 2011-2012 - Ảnh: Trung Chánh
Lao đao theo lúa vụ 3 và đông xuân sớm
Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vụ lúa thu đông 2011-2012 toàn vùng ĐBSCL đã xuống giống được trên 630.000 héc ta, tính đến nay, cơ bản đã thu hoach xong diện tích này.
Riêng tại Đồng Tháp, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết vụ lúa thu đông Đồng Tháp đã xuống giống được trên 80.890 héc ta, đến nay đã thu hoạch được trên 77.000 héc ta.
“Đối với lúa đông xuân 2012-2013, hiện đã xuống giống được trên 200.000 héc ta và đã thu hoạch được trên 100 héc ta”, ông Quốc cho biết.
Theo ông Quốc, hiện giá lúa trên thị trường xuống rất thấp, còn dao động khoảng 4.100 – 4.300 đồng/kí lô gam đối với lúa IR 50404 tươi, trong khi đó, giá thành sản xuất lúa ở vụ thu đông vào khoảng 4.300 – 4.400 đồng/kí lô gam (tính theo lúa khô).
“Giá lúa hiện đang sụt giảm mạnh, bà con nông dân rất lo lắng và họ đang chờ xuất khẩu thời gian tới có khá hơn không, chứ tình hiện nay không ổn chút nào. Riêng vụ lúa đông xuân 2012-2013, đây là vụ chính trong năm, mọi hy vọng của nông dân trông chờ hết vào đó, vì vậy thắng hay không cũng là đây”, ông Quốc cho biết.
Theo bà con nông dân có lúa vụ thu đông và đông xuân sớm đang thu hoạch, với mức giá hiện nay người trồng lúa sẽ có lãi rất ít, thậm chí không có lãi. Ông Nguyễn Văn Thời, ngụ xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang, cho biết ông vừa thu hoạch 1 héc ta lúa IR 50404, sau khi trừ đi các chi phí chỉ còn lãi khoảng 5 triệu đồng.
Thông tin từ cánh thương nhân mua lúa tại An Giang, Đồng Tháp, cho biết mấy ngày qua, giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL liên tục giảm mạnh và hiện dao động quanh mức giá 4.100 – 4.300 đồng/kí lô gam đối với lúa IR 50404 tươi và 5.100 – 5.300 đồng/kí lô gam đối với lúa IR 50404 khô.
Đối với gạo nguyên liệu và thành phẩm hiện cũng dao động ở mức giá rất thấp. Cụ thể, gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 tại Đồng Tháp, Cần Thơ có giá 6.900 – 7.000 đồng/kí lô gam và 7.900 – 8.000 đồng/kí lô gam đối với gạo thành phẩm của giống lúa này.
Tạm trữ có “cứu” được giá lúa?
Trước những dự báo tình hình tiêu thụ lúa đông xuân 2012-2013 sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có quyết định cho thực hiện tạm trữ lúa ở nông hộ và doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân.
Theo ông Quốc, bước đầu chương trình này sẽ được thực hiện thí điểm ở 4 tỉnh ĐBSCL, gồm Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Trà Vinh với tổng lượng gạo tạm trữ trong vụ đông xuân là 1,5 triệu tấn gạo, tương đương 3 triệu tấn lúa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh vấn đề nông hộ thực hiện tạm trữ và liệu tạm trữ lần này có tái diễn cảnh giảm giá mạnh như những lần trước đó do Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) điều hành để các doanh nghiệp hội viên của mình thực hiện hay không?
Phó giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, Giám đốc Viện Nghiên cứu - Phát triển ĐBSCL, cho biết hồi xưa, ông bà mình trồng lúa khi thu hoạch sẽ đem tồn trữ trong bồ (bồ là một loại dụng cụ chứa lúa của người dân ĐBSCL trước đây), khi nào họ thấy bán được thì đem ra bán, tự điều tiết.
“Còn bây giờ ai tồn trữ? Doanh nghiệp hay nông dân tồn trữ? Nếu nông dân tồn trữ thì phải ở phạm vị hợp tác xã mới có thể thực hiện được bởi vì hợp tác xã mới xử lý được thất thoát sau thu hoạch, xây dựng nhà kho… còn từng nông hộ tồn trữ rất khó do cơ sở hạ tầng yếu kém”, ông Sánh cho biết.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết nên áp dụng ba hình thức tạm trữ, đó là ngoài hình thức Chính phủ giao cho VFA điều hành và phân bổ chỉ tiêu cho doanh nghiệp hội viên tạm trữ, thì còn có hai hình thức khác là tạm trữ qua mô hình cánh đồng mẫu lớn và tạm trữ ở nông hộ.
“Đối với nông hộ tạm trữ, trong trường hợp “bắt buộc” hoàn toàn khả thi để thực hiện”, ông Năng nói.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến đặt vấn đề: tạm trữ lần này liệu có giúp vực dậy được giá lúa nội địa hay không khi quá phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu. Ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA nói: “Nếu sau thời gian tạm trữ, giá lúa vẫn sụt giảm, ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
Thông tin từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết trong nửa đầu tháng 12 Việt Nam xuất khẩu được trên 235.000 tấn gạo, trị giá gần 108 triệu đô la Mỹ (giá FOB). Như vậy, từ đầu năm đến giữa tháng 12 này, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 7,4 triệu tấn gạo, trị giá khoảng 3,3 tỉ đô la Mỹ (giá FOB).
Trung Chánh/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: