VINAGRI News - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2012 số lượng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra giảm mạnh từ 231 DN trong năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 160 DN, trong đó chỉ có 20% số DN duy trì được xuất khẩu ổn định, còn lại chỉ sản xuất và xuất khẩu cầm chừng.
Tồn kho lớn
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến giữa tháng 11/2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm 1,7% so cùng năm trước. Trong tất cả các thị trường, Hồng Kông, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng (kim ngạch) gần 35% so với năm 2011, tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, do nhiều nước tại châu Âu đối mặt với khó khăn về kinh tế nên giảm lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu giảm gần 20%.
Mặc dù thị trường tiêu thụ ở một số nước có dấu hiệu tăng trở lại do nhu cầu đón lễ giáng sinh, mừng năm mới nhưng giá thu mua cá tra ở các tỉnh thành ĐBSCL sụt giảm còn 20.500- 21.700 đồng/kg (giảm 500- 700 đồng/kg so với đầu tháng 12/2012), hàng tồn kho ở các tỉnh lớn như An Giang tồn trên 26.000 tấn cá nuôi đến kỳ thu hoạch…
Trong khi xuất khẩu giảm sút, tồn kho tăng cao thì các DN lại vẫn phải đối mặt với những khó khăn về vốn, hạn mức vay giảm so với cùng kỳ 2011, lãi suất ngân hàng cao liên tục trong thời gian dài. Giá điện nước, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng… khiến DN khó đủ đường.
Hiện nguồn vốn từ các ngân hàng cho sản xuất và tiêu thụ cá tra chủ yếu là vốn vay ngắn hạn. Người nuôi và DN không còn tài sản thế chấp hoặc tài sản thế chấp chỉ là ao nuôi và các công trình phụ trợ được đánh giá như đất nông nghiệp nên không tiếp tục được vay vốn, thua lỗ và đã phải “treo ao” hoặc chuyển sang nuôi gia công cho DN. Chu kỳ nuôi cá là 7- 8 tháng nhưng người nuôi chỉ được vay thời hạn 4-6 tháng gây ra rất nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều DN vay vốn ngắn hạn để sản xuất cá tra nhưng đã đầu tư cho trung và dài hạn, nên doanh số cho vay mặc dù rất lớn (trong 9 tháng đầu năm 2012 đạt trên 38.000 tỷ đồng), nhưng thực chất khoản cho vay để đầu tư trực tiếp cho nuôi và chế biến cá tra thấp hơn nhiều.
Kiến nghị mở hạn mức cho vay nuôi cá tra
Đứng trước sự sống còn của ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra, Bộ NN&PTNT vừa có công văn đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam tham gia cùng với các ngân hàng thương mại nhà nước “cứu” ngành chăn nuôi, sản xuất, xuất khẩu cá tra. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cũng phải giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất 11%/năm đối với hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, DN nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn và vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ của cá tra.
Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị Chính phủ quy định xuất khẩu cá tra là ngành sản xuất đặc thù và có điều kiện. Cơ cấu lại nguồn vay để tăng phân bổ cho vay trung hạn cho mục đích nuôi cá tra; tăng cường hỗ trợ vốn tín dụng ngắn hạn, tăng hạn mức và tiếp tục cho vay theo nhu cầu DN để duy trì nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra; đồng thời đề nghị thí điểm mở rộng hạn mức tín dụng cho 20 DN lớn.
Đối với Bộ NN&PTNT, cần chỉ đạo việc rà soát lại và sửa đổi các quy định hiện hành của bộ nhằm tăng cường các chế tài về hạn chế sử dụng các chất phụ gia tăng trọng đối với cá tra xuất khẩu theo chuẩn mực quốc tế. Quy định việc phải công khai tỷ lệ thủy phần (nước trong cá) và tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ đá) trên nhãn mác sản phẩm cá tra phile đông lạnh xuất khẩu, trước hết là sang thị trường EU và Mỹ. Đồng thời, xây dựng lộ trình hạn chế dần để tiến tới không sử dụng phụ gia tăng trọng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.
Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra quyết định dỡ bỏ lệnh rà soát hành chính đối với Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) trong quá trình rà soát hành chính lần thứ 8 lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm phi lê cá đông lạnh từ Việt Nam. Theo đó, DOC sẽ hướng dẫn Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ xác định mức thuế chống bán phá giá đối với tất cả các chuyến hàng nhập khẩu tương ứng trong giai đoạn rà soát. Agifish sẽ được hưởng mức thuế riêng rẽ xác định ở mức bằng với mức tiền mặt ký quỹ ước tính tại thời điểm nhập khẩu, hoặc đưa hàng ra khỏi kho bãi để phục vụ cho việc tiêu thụ trong quá trình rà soát theo quy định pháp luật.
Thanh Hải/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: