» » Chuyên gia: Lúa vụ 3 ở ĐBSCL mất nhiều hơn được

VINAGRI NewsMặc dù mang lại lợi ích trong xuất khẩu gạo, tăng thêm thu nhập cho nông dân trồng lúa trong mùa lũ nhưng xét trong dài hạn về đầu tư tài chính, tác động tới môi trường và xã hội thì sản xuất lúa vụ 3 mất nhiều hơn là lợi.


Lúa thu đông - Ảnh: TC.

Tại hội thảo “Lợi ích và chi phí canh tác lúa vụ 3 ở ĐBSCL” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 25-12, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái và các hệ thống tự nhiên ở ĐBSCL cho rằng lợi ích của sản xuất lúa vụ 3 là đáp ứng được lượng gạo phục vụ cho xuất khẩu, giúp Việt Nam giữ được ngôi vị nhất, nhì trong xuất khẩu, mang lại ngoại tệ cho quốc gia.

Bên cạnh đó, tạo việc làm cho người nông dân trong mùa lũ, mang lại thu nhập cho họ, đó là những yêu cầu trước mắt.

Tuy nhiên, theo ông Thiện, khi xét về lợi ích và chi phí của việc canh tác lúa vụ 3, cần phải xét trên 3 mặt, đó là về tài chính, môi trường và xã hội. “Và chúng ta chẳng những xét ở một nơi mà nên xét trên bình diện toàn vùng ĐBSCL, đặc biệt là xét trong bối cảnh biến đổi khí hậu có nhiều ảnh hưởng đến vùng trong thời gian tới”, ông Thiện cho biết.

Ông Thiện dẫn chứng, hai vùng trũng tự nhiên của ĐBSCL là vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) và Đồng Tháp Mười (ĐTM), một bên có diện tích khoảng 700.000 héc ta và một bên khoảng 500.000 héc ta, có tác dụng trữ nước vào mùa lũ và điều tiết nước giúp cân bằng mặn, ngọt cho ĐBSCL khi lũ rút.

“Khi phát triển lúa vụ 3, tức hình thành hệ thống đê bao khép kín, có nghĩa là từ chối, không nhận nước vào vùng TGLX và ĐTM nữa. Như vậy, sẽ gây ngập các vùng khác, chẳng hạn, ở những làng mạc, tỉnh, thành phố bên ngoài khu vực đê báo khép kín và vùng hạ lưu, gây hư hỏng cơ sở hạ tầng ở những nơi đó, đây là những thiệt hại mà chúng ta chưa tính toán được”, ông Thiện nói.

Mặt khác, khi làm hệ thống đê bao khép kín sẽ làm mất đi một lượng lớn phù sa và nguồn lợi thủy sản từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về ĐBSCL. “Những nguồn lợi này thường không đi qua thị trường nên không xuất hiện trong các báo cáo GDP của đất nước, cho nên không thể tính toán được”, ông Thiện cho biết.

Trước những mất mát do xây dựng hệ thống đê bao khép kín để tăng diện tích lúa vụ 3 gây ra, tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia về môi trường thuộc Trường Đại học Cần Thơ đặt câu hỏi: “Lựa chọn hiện nay của chúng ta có phải là lựa chọn cuối cùng?”.

“Một dãy đất ven biển từ Bến Tre đến Kiên Giang được chúng ta đào lên để nuôi tôm nhưng khi tôi hỏi một ông nông dân: “Theo bác sau con tôm sẽ là cái gì?”, ngay cả ông nông dân kỳ cựu này cũng lúng túng trong trả lời”, ông Ni cho biết.

Theo ông Ni, khi đấp đê bao khép kín, chỉ cần 3 năm sau thôi, những công trình, nhà cửa nằm sát mặt đất sẽ mộc lên rất nhiều bởi họ (ám chỉ người nông dân) thấy an toàn quá (nằm trong đề bao khép kín). Như vậy, nếu sau này có quyết định quay trở lại thì cũng rất khó.

“Đứng trên quan điểm cá nhân, tôi có cảm nhận tổng tổn thất lớn hơn rất nhiều so với lợi ích chúng ta thu được từ lúa vụ 3. Cái lợi ích mà chúng ta thu được chỉ là ngắn hạn, cục bộ. Nếu chúng ta nhìn rộng ra về thời gian, không gian cho toàn vùng ĐBSCL thì lợi ích canh tác lúa vụ 3 là rất nhỏ và không bền vững”, ông Thiện cho biết.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia tại hội thảo, bây giờ nếu ngành nông nghiệp tiếp tục gia tăng lúa vụ 3 thì sau này khó có thể quay lại. “Cho nên những vùng nào đã phát triển lúa vụ 3 rồi cũng không nên quay lại, còn những vùng nào chưa phát triển không nên tiếp tục mở rộng. Bây giờ cần bình tĩnh lại, ngồi xem xét lại cái lợi, cái hại trước khi đi tiếp sẽ tốt hơn” ông Thiện cho biết.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: