» » Bà Rịa Vũng Tàu: Rau an toàn nhu cầu cao nhưng lại khó tiêu thụ

VINAGRI NewsTại hội nghị khách hàng về rau an toàn (RAT) do Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức, người trồng rau "kêu" không có đầu ra nhưng đại diện các siêu thị, trường học, các bếp ăn tập thể và người tiêu dùng cho biết, họ "đỏ mắt" kiếm đầu mối cung cấp RAT. 


Trồng rau an toàn tại HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, TP. Bà Rịa.

Vàng thau lẫn lộn

Hầu hết những người tiêu dùng dự hội nghị cho biết, khi đi mua rau, họ chẳng thể nào phân biệt được đâu là rau an toàn hay không an toàn. Chị Phạm Thị Hồng Loan (KP5, phường Phước Hiệp, TP.Bà Rịa) nói: "Để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tôi thường ghé siêu thị mua rau, hoặc mua tại vườn của người quen. Nhưng nói thật cũng chẳng có gì bảo đảm chắc chắn đó là rau an toàn". Cũng băn khoăn về điều này, chị Nguyễn Thị Đào (KP3, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa) cho biết, khi được các chủ sạp rau, quả giới thiệu sản phẩm RAT thì cũng chỉ biết vậy, chứ chất lượng thế nào, có nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay không thì chị không thể biết được. Rất ít các dấu hiệu rõ ràng để phân biệt RAT với rau không an toàn. Kể cả việc đơn giản là ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm cũng không có.

Không chỉ có người tiêu dùng cá thể, một số doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn cho công nhân, các đơn vị kinh doanh thực phẩm cũng "bó tay" trong việc nhận diện RAT. Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Công ty TNHH Thế hệ mới, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể với 130 suất ăn mỗi ngày, cho rằng sản phẩm RAT của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế như: Chưa đa dạng về chủng loại, chưa thể truy nguyên nguồn gốc vì chưa có nhãn mác, thương hiệu. “Cần có các đầu mối cung cấp RAT. Sản phẩm phải có nhãn mác, nhãn hiệu để người tiêu dùng có thể truy nguồn gốc”, ông Minh kiến nghị.

Thực tế, hiện nay RAT mới chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu. Và khi không có nhãn hiệu, không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ thì người tiêu dùng vẫn như đứng giữa “ma trận”, không biết đâu là thật, đâu là giả.

Khách hàng tham gia hội nghị rau an toàn rất quan tâm đến các sản phẩm rau sạch được trưng bày.

Kết nối sản xuất và tiêu dùng

Thời gian qua ngành nông nghiệp đã có nhiều giải pháp tích cực để mở rộng đầu ra cho sản phẩm RAT như: hướng dẫn xây dựng thương hiệu, tiến hành xây dựng nhà sơ chế nhằm tiến tới truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, tổ chức các hội nghị khách hàng, tạo cơ hội tiếp xúc giữa người sản xuất và người tiêu dùng…Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp trên chưa đồng bộ, thường xuyên và quyết liệt nên hiệu quả chưa cao.

Ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tỉnh đang xây dựng 6 mô hình nhà sơ chế tại các địa phương trên địa bàn, công suất mỗi nhà sơ chế đạt khoảng 1 tấn/giờ. Sắp tới sẽ xây dựng những ki-ốt tại các địa phương để phân phối sản phẩm RAT. Sở sẽ tham mưu với UBND khuyến khích các trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể và suất ăn công nghiệp nên sử dụng sản phẩm RAT để bảo vệ sức khỏe cho người dân... "Hy vọng những giải pháp cụ thể trong thời gian tới sẽ xóa bỏ được những nghịch lý trong sản xuất và tiêu thụ RAT", ông Tuấn cho biết.

Theo quy hoạch phát triển RAT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ xây dựng vùng sản xuất RAT tập trung với diện tích hơn 800ha.Vì vậy, định hướng việc tiêu thụ RAT cho người nông dân, kết nối giữa người tiêu dùng và người sản xuất là việc cần làm ngay để giải quyết những khó khăn hiện tại, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người trồng RAT. Nếu không đảm bảo đầu ra ổn định thì việc trồng RAT vẫn chỉ dừng lại là thí điểm các mô hình, chứ không phát triển rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Hơn nữa, điều mà người tiêu dùng quan tâm là họ có tiếp cận được RAT dễ dàng, tiện lợi với giá cả hợp lý và đủ cơ sở tin cậy.

Bài, ảnh: Trúc Giang/ Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: