» » Tìm “thông hành quốc tế” cho trái cây miền Tây Nam bộ

VINAGRI News - Ngoài thị trường TP.HCM, nhiều nhà vựa ở miền Tây mở rộng kênh xuất khẩu khi sản phẩm có thông hành quốc tế.


Việc đưa hàng ra Bắc theo đường hàng không túc tắc quanh năm và nở rộ vào giáp tết. Một thương lái ở Đồng Tháp đưa nhãn ra Bắc nói rằng chi phí đường hàng không khá cao nhưng vẫn còn lời, đơn hàng luôn có. Thay vì đưa trực tiếp sang Trung Quốc, một số chủ vựa ở Cái Bè, Tiền Giang chấp nhận giao cho mối ở Hà Nội “vì bạn hàng ngoài đó làm ăn hạp với Trung Quốc”.

Simarath Ura và Kaew, người Thái Lan, luôn tin vào khả năng cạnh tranh của trái cây Thái, nhưng rất có thiện cảm với cách tự chế biến đặc sản của nhà vườn Việt Nam.

Ngoài mối hàng Trung Quốc, trái cây miền Tây Nam bộ có thể thâm nhập thị trường cao cấp hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, giám đốc công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, có trụ sở ở thị trấn Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nói: “Khi nhiều nhà vườn làm theo quy trình Global Gap, Viet Gap thì việc chọn lựa thị trường cao cấp thuận lợi hơn”.

“Thông thường khoảng 50% sản lượng trái đạt tiêu chuẩn đưa sang thị trường châu Âu, Trung Đông và Mỹ. Số còn lại nhà vườn có thể bán cho các thị trường khác”, nhà cung cấp Trương Văn Út, thành viên tổ hợp tác nhãn Long Hoà, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, mỗi năm cung cấp khoảng 600 tấn nhãn đạt tiêu chuẩn Viet Gap do FCC (công ty CP Giám định và khử trùng) chứng nhận cho công ty Chánh Thu, cho biết.

Ấp Long Thạnh, xã Long Hoà có 26 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất nhãn theo quy trình Viet Gap, sau hai năm đã có thêm 30 hộ nữa làm theo quy trình này. Họ muốn làm theo quy trình Global Gap nhưng đó là chuyện phải tính toán vì chi phí xây dựng quy trình Global Gap trong năm đầu trên 7.000 USD, năm thứ hai tái kiểm định tốn khoảng 3.000 USD. Thời gian xây dựng quy trình Viet Gap cũng mất hai năm, chi phí để các nhà vườn được công nhận tuân thủ quy trình Viet Gap năm đầu tiên tốn 200 – 300 triệu đồng. “Không thể không làm hàng theo tiêu chuẩn GAP, Trung Quốc cũng làm “Tàu GAP” nên hàng mình qua họ kiểm gắt lắm!”, anh Út nói.

“Vẫn phải tranh thủ các chương trình phát triển của tỉnh, đóng góp của doanh nghiệp, rất may đến năm thứ hai các nhà vườn bắt đầu đóng góp được rồi”, anh Út cho biết thêm.

Chánh Thu được công nhận đủ điều kiện đóng gói nhiều loại trái cây khác nữa đưa sang EU, Mỹ. Tuy nhiên, con đường thứ ba do bà Hồng Thu, doanh nghiệp tiên phong và là nhà xuất khẩu duy nhất của Bến Tre đưa hàng sang châu Âu, Trung Đông, Mỹ còn phải mất thời gian dài nữa mới có đủ sản lượng để làm cho thị trường nở rộ.

“Giá vận chuyển hàng không mỗi ký nhãn, chôm chôm qua tới Mỹ không dưới 3 – 4 USD, chiếu xạ 1 USD/kg. Nếu giá bán 6 USD/kg thì xuất khẩu chưa có lời nhiều, nhưng đã hướng tới thị trường ở xa thì cứ hy vọng không đụng hàng với Mễ Tây Cơ (Mexico – PV), Trung Quốc… biết đâu giá lên cao hơn. Ở Thái Lan, chính phủ hỗ trợ một phần phí vận chuyển hàng không, nếu Việt Nam có chính sách đó chắc hàng của mình sẽ đi cả thế giới”, anh Trương Văn Út ao ước.

Bài và ảnh/ Hoàng Lan/ SGTT

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: