VINAGRI News - Sau hơn 20 năm khai thác, phát triển, kinh tế xã hội vùng Tứ Giác Long Xuyên (TGLX), đã có nhiều thay đổi, đặc biệt đối với lĩnh vực nông, thủy sản. Đó là ý kiến nhận định của các nhà khoa học, nhà chuyên môn tại hội thảo khoa học “20 năm khai thác, phát triển kinh tế xã hội vùng TGLX” được tổ chức tại An Giang vào ngày 22-11.
Tuy nhiên, đi đôi với sự phát triển ấy vẫn còn nhiều vấn đề được đặt ra, nhất là biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống người nông dân.
Sau hơn 20 năm khai thác, phát triển kinh tế vùng TGLX đạt được nhiều thành công, đặc biệt là lĩnh vực nông, thủy sản. Trong ảnh là nông dân vùng TGLX thu hoạch lúa - Ảnh: TC
Kỳ tích trên vùng đất phèn
Vùng TGLX có diện tích tự nhiên hơn 470.000 héc ta, được hình thành trên địa phận 3 tỉnh gồm An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ. Trước năm 1988, TGLX là vùng đất đất phèn, mặn, sản xuất nông nghiệp kém phát triển.
Tuy nhiên, kể từ sau năm 1988 đến nay (tức kể từ khi có Nhà nước chủ trương khai thác, phát triển vùng TGLX), đời sống kinh tế xã hội của vùng có nhiều thay đổi. Diện tích đất phèn, mặn dần dần được cải tạo và thay vào đó là một vùng sản xuất nông nghiệp màu mỡ, trọng yếu của ĐBSCL và cả nước.
“Trước năm 1988, đời sống của nông dân vùng TGLX còn rất nghèo, sản lượng lúa sản xuất mỗi năm chỉ khoảng hơn 600.000 tấn, tuy nhiên, đến năm 2010, không chỉ đời sống người dân được cải thiện, sản lượng lúa sản xuất cũng đã tăng đến con số 4,28 triệu tấn”, thạc sĩ Lê Minh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học- kỹ thuật An Giang cho biết.
Theo ông Tùng, trong vòng 6 năm trở lại đây, sản lượng lúa của vùng TGLX thuộc tỉnh An Giang đã tăng hơn 1,3 triệu tấn so với giai đoạn trước đó. Riêng diện tích lúa thu đông (lúa vụ 3), từ năm 2000 đến nay, tăng từ 2.000 héc ta lên gần 100.000 héc ta.
“Hiện nay, sản lượng lúa ở các huyện của vùng TGLX đạt khoảng 5 triệu tấn, trong đó, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) đạt 876.000 tấn, Thoại Sơn (An Giang) đạt 692.000 tấn và những huyện khác đạt trên 500.000 tấn/năm”, ông Tùng cho biết.
Đánh giá của nhiều nhà khoa học, nhà chuyên môn tại hội thảo, cho biết ngoài lúa gạo, sản xuất thủy sản đã trở thành lợi thế cạnh tranh kể từ khi vùng TGLX được đưa vào khai thác, phát triển.
Theo ông Tùng, ở giai đoạn trước 1988, sản lượng xuất khẩu thủy sản của vùng TGLX chiếm không quá 6% trong tổng khối lượng xuất khẩu thủy sản và lương thực của vùng, tuy nhiên, đến năm 2011 con số này chiếm đến 11-12%. Riêng ở An Giang, trong năm 1996, nếu như xuất khẩu lúa gạo chiếm 80% và thủy sản 20%, thì hiện nay lúa gạo chỉ chiếm 60% và thủy sản 40% trong tổng khối lượng xuất khẩu lúa gạo và thủy sản của tỉnh.
“Khối lượng xuất khẩu thủy sản tăng mạnh qua các năm, điều này chứng tỏ thủy sản là thế mạnh của vùng TGLX, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân”, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nguyên Trưởng ban chỉ đạo TGLX- An Giang cho biết.
Thách thức phía trước
Qua hơn 20 năm khai thác và phát triển vùng TGLX, tình hình kinh tế xã hội, đời sống người dân đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống người nông dân.
Theo ông Nguyễn Minh Nhị, biến đổi khí hậu, nước biển dâng thật sự là một thách thức lớn đối với sự phát triển không chỉ của vùng TGLX mà cả khu vực ĐBSCL trong thời gian tới. Ông nói: “Để ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu, phải hành động ngay chứ không thể chần chữ mãi nữa”.
“Tổng kết “20 năm khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng TGLX”, chúng ta không bỏ sót những thành tích đã đạt được bởi đó là công lao của toàn dân. Tuy nhiên, tôi đề nghị không nên “hát ca” cái đó nhiều quá, mà phải nhìn vào thực tại của những khó khăn ở phía trước, đó là tác động của biến đổi khí hậu, đời sống người dân còn nghèo nàn… để mà hành động”, ông Nhị cho biết.
Ý kiến của nhiều nhà chuyên môn tại hội thảo, cho biết cần phải xem xét và đánh giá một cách tổng thể những tác động, ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên lên vùng TGLX nói riêng và ĐBSCL nói chung bởi việc đấp đê bao, mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông.
“Chuyện tăng cường sản xuất lúa thu đông ở ĐBSCL là cần thiết nhưng phải tính đến hiệu quả kinh tế của nó cũng như những tác động của nó đến những vấn đề xung quanh. Chúng ta không chỉ nhìn thấy một mặt lợi nào đó mà phải có cái nhìn tổng thể”, giáo sư- tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Trân, có một điều cần phải nhìn nhận đó là dù nền nông nghiệp hiện nay phát triển khá nhiều so với giai đoạn trước. “Tuy nhiên, đời sống người nông dân vẫn khó khăn do vật tư nông nghiệp đầu vào luôn tăng cao, trong khi đó, đầu ra thì bấp bênh, thường xuyên gánh chịu cảnh được mùa mất giá”, ông Trân cho biết.
Trung Chánh/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: