» » Doanh nghiệp thủy sản khó chồng thêm khó

VINAGRI News - “Viễn cảnh” sẽ có nhiều DN thủy sản gục ngã trên sân nhà bởi không còn vốn để hoạt động hoặc lâm vào tình trạng “sống dở chết dở” do bị giảm trừ hạn mức vốn vay để hoạt động.



Nhập để xuất

Ngành thủy sản nói chung và chế biến xuất khẩu thủy sản nói riêng có đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu cả nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2011 là 6,1 tỷ USD, dự kiến năm 2012 là 6,5 tỷ USD, đưa thủy sản trở thành 1 trong 5 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), con số này tiếp tục tăng trưởng bền vững đạt 8 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo ra công ăn việc làm thường xuyên cho gần 500.000 lao động trên toàn quốc.

Tuy nhiên, để đạt được con số kỳ vọng nêu trên, Bộ NN&PTNT cũng xác định phải nhập khẩu tương ứng 600.000 tấn thủy sản nguyên liệu (chiếm 13% tổng nhu cầu nguyên liệu, ước khoảng 1,2 -1,4 tỷ USD) vào năm 2015 và 1 triệu tấn (chiếm 17,5% tổng nhu cầu nguyên liệu, tương đương 22,2 tỷ USD) vào năm 2020 mới đủ cho hoạt động chế biến và xuất khẩu trong giai đoạn này.

Thời gian qua, nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước thiếu trầm trọng do tài nguyên hải sản đang có nguy cơ cạn kiệt, diện tích nuôi trồng bị thu hẹp, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh… khiến cho số lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản cung cấp ngày càng giảm sút. Hiện tại, nguồn nguyên liệu trong nước chỉ mới đáp ứng được 50-60% nhu cầu cho chế biến xuất khẩu. Thậm chí, một DN chuyên xuất khẩu cá ngừ quy mô nhỏ cho biết, muốn xuất được 5.000 - 6.000 tấn cá thành phẩm/năm thì lượng nguyên liệu nhập khẩu chiếm 70 - 80%.

Những năm trước, khi chưa có nguyên liệu nhập khẩu, DN chỉ đạt doanh số xuất khẩu từ 3-5 triệu USD là cao nhất. Nhưng khi có nguồn nguyên liệu nhập khẩu dồi dào, kim ngạch xuất khẩu tăng không ngừng, đạt 24 triệu USD trong năm 2011, dự kiến năm 2012 đạt 28 triệu USD. Công ty Havuco (Khánh Hòa) cho biết, cũng nhờ nguyồn nguyên liệu nhập khẩu mà công ty đã mở rộng thêm được 2 nhà máy chế biến xuất khẩu mới và tiếp tục mở rộng sản xuất nếu đủ nguồn nguyên liệu. Doanh số trước đây chỉ đạt 5 triệu USD thì nay đã trên 65 triệu USD, với nhiều mặt hàng giá trị gia tăng khác…

Thêm gánh nặng?

Theo CTCP thủy sản Minh Phú - DN xuất khẩu tôm lớn nhất tại Cà Mau, mặc dù nguồn tôm nguyên liệu trong nước là khá lớn, nhưng vẫn không đủ để sản xuất xuất khẩu theo hợp đồng ký kết, nên DN vẫn phải nhập tôm nguyên liệu. Để đạt doanh số xuất khẩu gần 350 triệu USD, DN đã phải nhập gần 3.800 tấn tôm (trị giá trên 4,2 triệu USD). Không riêng gì Minh Phú, nhiều DN xuất khẩu thủy sản cũng phải phụ thuộc một phần vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do nguyên liệu trong nước có tính mùa vụ, bấp bênh ảnh hưởng đến việc ký kết hợp đồng trong những tháng cao điểm.

Trong khi bối cảnh thiếu và phải nhập nguyên liệu phục vụ xuất khẩu là một thực tế, chưa kể đến những khó khăn khác mà các DN thủy sản đang phải gánh chịu như rào cản thương mại, kỹ thuật, thu hẹp thị trường xuất khẩu, nguồn vốn hạn chế, lãi suất cao… thì tại Điều 42, Dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế quy định về thời hạn nộp thuế có ghi rõ, hàng hóa là vật tư nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan, giải phóng hàng hóa hoặc phải có bảo lãnh của TCTD (thời hạn bảo lãnh tối đa là 275 ngày với điều kiện trong thời hạn bảo lãnh không bị phạt chậm nộp thuế).

Theo ý kiến của nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực thủy sản, nếu áp dụng quy định này “viễn cảnh” sẽ có nhiều DN thủy sản gục ngã trên sân nhà bởi không còn vốn để hoạt động hoặc lâm vào tình trạng “sống dở chết dở” do bị giảm trừ hạn mức vốn vay để hoạt động. Như vậy, quy mô sản xuất cũng như kim ngạch xuất khẩu giảm sút mạnh là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, với quy định này nhiều khả năng hạn mức vay vốn sản suất của DN thủy sản sẽ giảm 20-40%, tương ứng doanh thu/kim ngạch xuất khẩu giảm 20-40%, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến công ăn việc làm của hàng trăm ngàn lao động trong khu vực này.

Mặc dù, không phủ nhận thời gian qua một số ít DN đã lợi dụng chính sách thuế của Nhà nước để chây ỳ, trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước. Nhưng theo ý kiến của đại đa số DN, không thể vì thế mà đánh đồng, gây khó khăn, cản trở đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, nhập khẩu nguyên vật liệu của các DN làm ăn chân chính, nhất là trong bối cảnh các DN đang rất khó khăn hiện nay.

Luật Quản lý thuế sửa đổi phải đảm bảo nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính, hiệu quả đối với việc tuân thủ luật pháp của DN, phù hợp với thông lệ quốc tế, cam kết WTO và sát với thực tiễn, không làm khó cho DN. Theo đó, Bộ Tài chính nêu ra 4 phương án gợi ý như lùi thời hạn áp dụng quy định bỏ ân hạn thuế có bảo lãnh của TCTD tới tháng 1/2015.

Với DN có cơ sở sản xuất, 2 năm không vi phạm luật thuế, thay vì phải có bảo lãnh 100% thì có thể được TCTD bảo lãnh một phần. Với DN có vốn chủ sở hữu lớn hơn số thuế cần bảo lãnh thì cho phép được hưởng ân hạn thuế mà không cần có bảo lãnh của TCTD. Bộ Tài chính sẽ không căn cứ vào kế hoạch kinh doanh năm (360 ngày) của DN mà căn cứ vào chu kỳ sản xuất (275 ngày) để làm thời gian bảo lãnh. DN tự khai, thanh khoản, tự chịu trách nhiệm còn cơ quan Hải quan kiểm tra tỷ lệ rủi ro để xử lý.

Đông Thành/ Thời báo ngân hàng

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: