» » DN nội và chuỗi thực phẩm sạch: Yếu và thiếu

VINAGRI News - Việc doanh nghiệp (DN) nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo, song DN nội vẫn loay hoay chưa tìm ra biện pháp đối phó, cạnh tranh hiệu quả, dẫn đến việc bị thua trên sân nhà.


Ăn trọn miếng bánh lớn

Một thương vụ gần đây thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận, đó là việc Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer – công ty con của Tập đoàn Masan) mua lại 40% cổ phần của Proconco, DN chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN) với thương hiệu Con Cò. Theo công bố của Masan, giá trị của thương vụ này lên tới 96 triệu USD, cao gần gấp đôi số tiền 1 năm trước Tập đoàn Masan đã bỏ ra để thâu tóm Vinacafe Biên Hoà.

Được biết, Masan rốt ráo thực hiện thương vụ trên vì ước tính, giá trị của thị trường TĂCN Việt Nam lên tới vài tỉ USD/năm nhưng phát triển còn khá manh mún với hơn 240 nhà sản xuất, trong đó 70% thuộc về DN nước ngoài (hiện Proconco đang chiếm khoảng 11% thị phần, chỉ xếp sau Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam và bỏ xa nhiều nhà cung ứng phía sau như Cargill, Japfa Comfeed, Dobaco…).

Thông báo cáo chí của Masan Consumer hé lộ một phần động cơ của thương vụ: “Mua lại Proconco đặt nền móng cho Masan Consumer tham gia vào phân khúc thị trường cung cấp chất đạm (thịt, cá, hải sản) đầy tiềm năng tăng trưởng, dựa trên cơ sở gia tăng của dân số Việt Nam và mức độ tiêu thụ đạm/đầu người ngày càng gia tăng”. Masan Consumer còn cho biết, để thực hiện mục tiêu trên, một chuỗi giá trị “giống sạch-thức ăn sạch-nuôi sạch-chế biến sạch-phân phối bảo quản sạch” sẽ được xây dựng, nhằm đưa Proconco sang mô hình tích hợp theo chiều dọc, từ sản xuất TĂCN, chế biến thực phẩm đến khâu phân phối, bán lẻ...

Có lẽ DN quan tâm nhất đến thương vụ của Masan là Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam – đơn vị thuộc Tập đoàn CP (Thái Lan), nơi cũng đang đầu tư để “hiện thực hoá” chuỗi sản xuất sạch với công thức 3F (Feed - Farm - Food) với 8 nhà máy sản xuất TĂCN; chăn nuôi theo hệ thống, bắt đầu từ con giống có chất lượng cao cho đến hệ thống chăn nuôi hiện đại, gồm gà thịt, gà đẻ, tôm và cá. DN này cũng đã cung ứng ra thị trường nhiều loại sản phẩm, từ thịt tươi, trứng đến các sản phẩm chế biến, ăn ngay. Hiện, CP đang chiếm khoảng 5% thị phần thịt heo, 30% thị phần thịt gà, vì vậy, các bước đi của CP buộc các đối thủ phải theo dõi sát sao trong việc nỗ lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu…, nhất là các DN nội.

DN nội đang nỗ lực

Nhận thấy nhiều phần “ngon” của thị trường đều thuộc về DN ngoại, thời gian gần đây, các DN trong nước đã mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống trang trại chăn nuôi, chế biến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong đó, Công ty Ba Huân đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tại Bình Dương với diện tích 18ha, dự kiến hoạt động vào giữa năm sau, cung ứng khoảng 62,5 triệu trứng gà/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Dây chuyền sản xuất xúc xích của Vissan.

Trước đó, vào cuối năm 2011, Công ty Vissan cũng đã đầu tư 2.600 tỉ đồng để xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm khép kín, tạo tiền đề cho việc hướng tới việc sản xuất sạch, an toàn “từ trang trại đến bàn ăn”.

Ngoài ra, để có những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, 4 năm qua, hệ thống siêu thị Big C và Co.opMart đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN trong lĩnh vực hàng nông sản, thực phẩm truyền thống mở rộng sản xuất. Ở quy mô nhỏ hơn nhưng Công ty cổ phần Dinh dưỡng nông nghiệp Quốc tế (ANCO) cũng đã khép kín được quy trình sản xuất. Theo đó, cơ cấu tổ chức của ANCO là một khối liên kết thống nhất gồm 4 công ty kinh doanh trong các lĩnh vực TĂCN, chăn nuôi gia súc và thực phẩm chế biến.

Ông Hứa Cao Trí, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm gia đình Anco (Anco Family Food - thành viên của ANCO) cho biết, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng thì việc khép kín quy trình sản xuất nông nghiệp sẽ có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau trong các khâu, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh. Ví dụ, việc sản xuất của Anco Family luôn có nguồn nguyên liệu đảm bảo, giá cả ổn định nhờ hệ thống trại chăn nuôi ANCO. Như vậy, với các DN cùng ngành, Anco Family giảm thiểu được rủi ro từ phía đối tác cung cấp nguyên liệu.

Theo ông Trí, để làm được chuỗi sản xuất này, yếu tố đầu tiên cần có là vốn đầu tư, quy mô phải lớn. Bên cạnh đó là sự am hiểu và có khả năng bao quát, thâm nhập đa ngành. Đây chính là 2 thứ mà DN Việt Nam còn yếu, do vậy số DN nội thực sự sở hữu được chuỗi sản xuất tại Việt Nam hiện nay chưa nhiều.

Trần Trọng Triết/ Báo KTNT

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: