» » Cánh đồng mẫu lớn, giải pháp cho tạm trữ lúa gạo

VINAGRI News - Doanh nghiệp thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn (CDML) khẳng định nông dân trong mô hình được lợi hơn rất nhiều so với nông dân sản xuất bên ngoài như mua sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón với giá gốc; lợi nhuận tăng cao. Trong khi các chuyên gia cho rằng, CDML chính là giải pháp cho vấn đề tạm trữ lúa gạo vốn gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.


Nhiều nhà chuyên môn cho rằng CDML chỉ là nơi để doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong ảnh là nông dân Tiền Giang đang thu hoạch lúa - Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, liệu đây có phải là “cú hích” giúp nông dân đổi đời hay không khi còn quá nhiều điều cần quan tâm?.

CDML: nơi bán sản phẩm của doanh nghiệp?

Một lần nữa mô hình CDML lại được ca ngợi rất nhiều tại hội thảo “Cánh đồng mẫu lớn - hợp tác và phát triển” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ vào sáng 16-11- một trong những hội thảo bên lề Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2012 (15-11 đến 21-11).

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết hiện có rất nhiều công ty tham gia vào mô hình CDML. Thế nhưng, những cái tên được nêu lên cũng chỉ là những doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực thuốc BVTV, phân bón như: Công ty thuốc bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền…

Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng CDML của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là để doanh nghiệp lương thực đầu tư, xây dụng vùng nguyên liệu xuất khẩu hướng tới tạo dựng thương hiệu cho vùng lúa chất lượng cao.

Một câu hỏi được đặt ra, tại sao doanh nghiệp thuốc BVTV, phân bón lại hứng thú với CDML còn doanh nghiệp lương thực lại không? Lý giải vấn đề này, giáo sư – tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo (Long An) trao đổi riêng với TBKTSG Online cho biết: “Doanh nghiệp phân bón, thuốc BVTV tham gia nhiều để họ bán phân, thuốc được nhiều hơn”.

Theo ông Xuân, đối với doanh nghiệp lương thực, họ không biết đầu ra sản phẩm của họ đang nằm ở đâu nên không thể quyết định lo chỗ này 5.000 héc ta hay lo chỗ kia 4.000 héc ta được.

“Doanh nghiệp lương thực chỉ lo khi họ đã ký được hợp đồng xuất khẩu cho một công ty nước ngoài nào đó, chẳng hạn họ ký được 10.000 tấn thì họ mới đi gom qua các đầu mối trung gian 10.000 tấn. Chính cách làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, lợi dụng nông dân để hưởng lợi thì họ chỉ làm cho người nông dân ngày càng kiệt quệ hơn thôi”, ông Xuân cho biết.

Đồng quan điểm trên, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL trả lời phỏng vấn TBKTSG Online ngày 8-11, cho biết doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón tham gia mô hình CDML cũng có giúp cho nông dân nhưng cũng không ngoài mục đích bán sản phẩm.

Giải quyết vấn đề tạm trữ

Đánh giá của một số nhà chuyên môn tại hội thảo cho biết nếu doanh nghiệp lương thực tham gia vào CDML và “chịu” chia sẻ một phần lợi nhuận của họ cho nông dân, chẳng những sẽ giải quyết được vấn đề phân chia lợi nhuận giữa các bên mà còn giải quyết được chuyện tạm trữ lúa gạo vốn gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

“Vấn đề chia sẻ lợi nhuận giữa doanh nghiệp và nông dân hiện nay chưa thật sự hài hòa, đúng với giá trị thực đóng góp giữa các bên. Ai cũng muốn giành lợi nhuận cao nhất về phía mình nên thương xuyên dẫn đến phá vỡ quan hệ sản xuất - tiêu thụ”, Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Ngọc Đệ, Phó khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nêu lên thực trạng.

Tại hội thảo lần này, một lần nữa ông Bảnh cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc doanh nghiệp tham gia CDML trong giải quyết khâu tạm trữ lúa gạo hiện nay. Ông nói: “Với 153 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay (tính đến cuối tháng 8 có 99 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu 5 năm theo Nghị định 109/2012/NĐ-CP- PV), nếu 1 doanh nghiệp bao tiêu 5.000 héc ta thì sẽ có 700.000 – 800.000 héc ta lúa/vụ được doanh nghiệp thu mua”.

Theo ông Bảnh, làm được điều này thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không phải nhọc công bàn thảo chuyện đưa doanh nghiệp tạm trữ hay nông dân tạm trữ nữa.

“Quan trọng nhất, nông dân được bán sản phẩm theo giá hợp đồng, tức không phải trồng chờ vào may rủi mỗi khi mùa vụ mới bắt đầu”, ông Bảnh nói.  

“Tôi rất nhất nhất trí với ý kiến của anh Bảnh đã phát biểu trên TBKTSG Online (Chuyên gia: Nên buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải có vùng nguyên liệu ngày 6-11-2012- PV) về quy định điều kiện để cấp phép xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp là họ phải có vùng nguyên liệu”, ông Xuân nói.

Theo ông Xuân, bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu, tức là họ phải lo cho vùng nguyên liệu đó, chăm sóc nông dân hợp tác với họ. “Qua hình thức hợp tác này thì vấn đề tạm trữ lúa gạo sẽ có được lời giải”, ông Xuân cho biết.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: