VINAGRI News - Ai cũng biết trái cây nước ta nói chung và trái cây ở ĐBSCL nói riêng phong phú nhiều chủng loại, mùa nào cũng có; tuy nhiên chưa tạo được tiếng tăm trên thương trường quốc tế do chưa có thương hiệu. Xây dựng thương hiệu cho trái cây đang là vấn đề bức bách đặt ra. Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Minh Châu (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết:
- Cả nước hiện có trên 776.000ha cây ăn trái, trong đó riêng các tỉnh, thành phía Nam trên 460.000ha. Tiềm năng trái cây nước ta rất lớn, riêng vùng ĐBSCL có nhiều loại trái cây chất lượng, như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, măng cụt, sầu riêng Ri-6, chuối cau, khóm Cầu Đúc, quít đường, quít hồng, cam sành, thanh long đỏ Long Định 1… Đặc biệt, vú sữa Lò Rèn và sơ ri Gò Công là đặc hữu, chỉ Việt Nam mới có trồng. Điều này cho thấy, chúng ta đang sở hữu nhiều loại trái cây chất lượng tốt mà thị trường thế giới ưa chuộng. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 407 triệu USD, thì năm 2009 tăng lên 439 triệu USD; năm 2010 đạt 471 triệu USD; năm 2011 đạt 500 triệu USD… Bình quân mỗi năm chúng ta xuất siêu trên 50 triệu USD, đây là thành quả rất lạc quan.
Những năm qua, các ngành chức năng không ngừng đầu tư kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ, cộng với sự chuyên cần của nhà vườn từ đó giúp tay nghề sản xuất trái cây tăng cao. Rất tiếc, với tiềm năng trên, mặc dù nước ta đã có nhiều nỗ lực khai thác, nhưng nhìn chung kết quả đạt được chưa nhiều, chưa tương xứng. Nhiều cây trồng đặc sản chưa được chú ý khai thác xuất khẩu…
Nhiều người nói trái cây nước ta chất lượng còn thấp so với thế giới, chẳng hạn như Thái Lan ?
- Cũng không hoàn toàn như vậy. Có những loại ta chưa bằng các nước, nhưng cũng có loại chúng ta ngon hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ như trái bưởi da xanh ở ĐBSCL được trồng chỉ vài năm gần đây, nhưng chất lượng ngon hơn cả bưởi Năm Roi và giá cả rất cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có xoài cát Hòa Lộc, chôm chôm nhãn, vú sữa Lò Rèn… đều ngon hơn của Thái Lan. Riêng thanh long thì nước ta có thanh long trắng và thanh long đỏ. Đối với sầu riêng Việt Nam thì không hề thua kém sầu riêng Thái Lan. Tuy nhiên, chúng ta lại thua Thái Lan về măng cụt, bòn bon, xoài xanh... Cái yếu của trái cây Việt Nam hiện nay vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất mang tính tự phát chứ chưa hình thành được những vùng chuyên canh lớn. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, đồng thời làm tăng chi phí đầu tư, giá thành cũng đội lên rất cao.
Lâu nay chúng ta cứ hô hào việc xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị trái cây, nhưng việc này nói mãi mà chưa làm được. Vì đâu, thưa ông ?
- Thương hiệu là vấn đề cần thiết để đưa trái cây đi xa hơn trên thương trường quốc tế. Những loại trái ngon của ta như thanh long, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn… cần phải làm thương hiệu. Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo các tỉnh không nên chạy theo số lượng mà tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, làm thương hiệu thì phải chú ý đến chất lượng. Theo đó, mỗi tỉnh chỉ nên chọn 1-3 loại cây chủ lực để phát triển mạnh về chiều rộng lẫn chiều sâu. Cần chuyển đổi từ sản xuất tự phát sang mô hình sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn có sự đầu tư bài bản từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Đáng mừng là thời gian gần đây các địa phương, doanh nghiệp, nhà vườn… đã có bước chuyển tích cực bằng việc phát triển các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế như: Vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), thanh long (Bình Thuận), chôm chôm Chợ Lách (Bến Tre)... đây là bước chạy đà rất thuận lợi để phát triển thương hiệu một cách bền vững.
Chôm chôm ở ĐBSCL đang được xuất khẩu khá mạnh. Ảnh: Nguyễn Phú
Tới đây, nếu chúng ta phát triển được những vùng chuyên canh lớn, chuyển đổi sản xuất đồng loạt, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đầu tư hệ thống bảo quản, xử lý sau thu hoạch, công nghệ giống… thì ngành sản xuất trái cây sẽ rất triển vọng. Khi đó thương hiệu trái cây mới đi xa được. Đồng thời, tính toán phương án rải vụ trái cây; trong đó nghiên cứu “né” thời điểm thu hoạch của Thái Lan, Trung Quốc… Cụ thể, nhà vườn Tiền Giang và Bến Tre áp dụng cho chôm chôm ra trái vào tháng 12 (thay vì tháng 6 như bình thường), nhờ đó mà chôm chôm xuất sang Hoa Kỳ được giá cao, thắng được chôm chôm Thái Lan. Hay như sầu riêng ở ĐBSCL cho trái vào tháng 1, 2, 3, 4, sớm hơn sầu riêng miền Đông, nên bán được giá, thu lời nhiều; bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quít đường đang cho trái quanh năm, cần điều chỉnh cho trái nhiều từ tháng 3 đến tháng 9 để tránh đụng với trái cây miền Bắc và Trung Quốc… Có thể khẳng định, tiềm năng trái cây của chúng ta không thua kém các nước trong khu vực, vấn đề là các ngành chức năng, các địa phương, doanh nghiệp mạnh dạn vào cuộc thay đổi sản xuất, hỗ trợ xuất khẩu tạo ra hướng đi mới để nâng cao chuỗi giá trị cho trái cây.
Xin cảm ơn ông !
Nguyễn Phú/ Báo Hậu Giang thực hiện
Không có nhận xét nào: