Tại Lạng Sơn, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan. Đáng sợ hơn, một lượng lớn thuốc cực độc bị thu giữ nhiều năm, không được tiêu hủy, đang là “quả bom" nổ chậm với người dân và môi trường.
Quả “bom nổ chậm” ngay tại Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn
Tràn lan thuốc nhập lậu
Trên thị trường tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng hơn 30 loại thuốc BVTV cực độc, không được phép sử dụng, bày bán công khai. Trong đó, có những loại Việt Nam đã cấm sử dụng từ những năm 1980 như: Thuốc trừ sâu 666, thuốc trừ cỏ 2.4.5 T (Brochtox, Decamine, Veon...). Các loại thuốc nhập lậu này do người dân sinh sống ở khu vực biên giới đi chợ bên kia mang về. Do mang vác với số lượng ít, nhỏ lẻ và thường đi theo đường mòn, lối tắt nên gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát.
Dạo qua một số chợ biên giới, hầu như chợ nào cũng có người bán thuốc BVTV không rõ nguồn gốc. Nhiều nhất vẫn là thuốc trừ cỏ và thuốc kích thích tăng trưởng… Tất cả các loại thuốc này đều có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không có hướng dẫn bằng tiếng Việt, giá thường rẻ hơn một nửa so với cùng loại có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Người bán chỉ biết nhìn vào hình vẽ trên bao bì mà suy luận đó là thuốc gì.
Tại một cửa hàng bán thuốc BVTV huyện Lộc Bình, chị Nguyễn Thị Dung - chủ cửa hàng - cho biết, 5 năm nay, chị sang chợ bên kia biên giới mua các loại thuốc này. Khi mua, cũng chỉ được giới thiệu loại nào để diệt chuột, loại nào để trừ sâu, loại nào diệt cỏ…, sau đó, cứ thế mang về bán. Người mua cần sử dụng vào việc gì thì bán cho loại đấy.
Bắt giữ, biết “xử” sao?
Nhằm ngăn chặn nhập lậu thuốc BVTV nguy hại, các lực lượng chức năng như: QLTT, hải quan, biên phòng… đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và thu giữ được lượng lớn thuốc này. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là thuốc thu về nhiều nhưng không thể tiêu hủy.
Ông Hoàng Văn Bát - Chánh thanh tra Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn - cho biết, hiện vẫn còn hơn 10 tấn thuốc BVTV không rõ nguồn gốc do các cơ quan chức năng thu giữ chưa được tiêu hủy. Số thuốc trên được tồn từ năm 2007 đến nay và đang được cất giữ tại nhiều địa điểm khác nhau: Chi cục BVTV tỉnh, Sở Y tế, đội kiểm soát huyện Cao Lộc, Văn Lãng. Nhiều nhất, tại Chi cục BVTV tỉnh tới trên 6 tấn.
Đến Chi cục BVTV tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi chứng kiến gara để xe ôtô dùng làm kho, chứa chật kín thuốc, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Do để lâu ngày, bao bì mục nát, thuốc tràn ra cả bên ngoài. Chúng tôi đề nghị mở gara, ông Bát lắc đầu, bởi vì chỉ cần mở cửa, là hàng tấn thuốc chất cao tới tận nóc nhà xe sẽ đổ ụp. Lúc đó, hậu quả thật khó lường.
Thực tế, từ rất lâu, Chi cục BVTV đã có đề án đề xuất các phương án xử lý, tiêu hủy... trình lên tỉnh cùng các cơ quan chức năng, nhưng do thiếu kinh phí, nên thuốc vẫn nằm trong kho(!?). Do không xử lý được nên lực lượng chống buôn lậu rất "sợ" bắt phải thuốc BVTV, bởi thu về không biết để đâu, xử lý thì tốn kém, phiền phức.
Các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý sớm số thuốc BVTV nhập lậu đang lưu giữ ở Lạng Sơn. Tại các địa phương, nhất là các chợ ở khu vực nông thôn, cần thường xuyên tuyên truyền, vận động; tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm những hộ kinh doanh thuốc BVTV không rõ nguồn gốc.
Nhật Quang/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: