Chủ trương tăng mạnh lúa vụ ba của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm “vớt vát” thu nhập cho nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng tự làm khó mình.
Thị trường gạo thế giới đang ở trong trạng thái khác với logic thông thường. Đó là, thay vì tăng khi mất mùa, giá gạo thế giới lại giảm mạnh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thế giới mất mùa nhưng không thiếu gạo, giá giảm
Đúng là thế giới năm nay mất mùa, nhưng không thiếu gạo, còn năm tới sẽ được mùa, cho nên gạo ta sản xuất ra khó có cơ hội được giá.
Tuy chúng ta mất mùa lúa đông xuân 1,3 triệu tấn (cao kỷ lục từ năm 1986 đến nay) và theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm nay Ấn Độ còn mất mùa lớn gấp hơn hai lần chúng ta, Thái Lan mất mùa gấp hơn ba lần (cũng cao kỷ lục từ năm 1986 đến nay) nhưng tổng sản lượng lúa thế giới chỉ giảm 12 triệu tấn (1,6%) còn dự trữ gạo thế giới vẫn ở mức 107 triệu tấn, tương ứng với 81 ngày tiêu dùng (cao hơn rất nhiều so với 65-67 ngày tiêu dùng trong giai đoạn sốt nóng giá gạo thế giới 2004-2008).
Trong khi đó, các số liệu thống kê của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) cho thấy, bình quân giá gạo thế giới năm tháng đầu năm nay, giảm tới 10,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Thực tế này có nghĩa là, thị trường gạo thế giới đang ở trong trạng thái khác với logic thông thường. Đó là, thay vì tăng khi mất mùa, giá gạo thế giới lại giảm mạnh.
Có thể nói, điểm nhấn quan trọng nhất dẫn đến biến động trái chiều này của giá gạo thế giới chính là kho gạo dự trữ của Thái Lan.
Các nguồn tin từ nước này cho thấy, vào đầu tháng 5 vừa qua, Thái Lan có 11,4 triệu tấn gạo tồn kho, trong đó có tối đa chín triệu tấn có thể sử dụng làm lương thực, cần đẩy ra thị trường càng nhanh càng tốt. Lượng gạo cần gấp gáp đẩy ra thị trường này lớn gần gấp đôi so với tổng lượng gạo mất mùa của cả hai “người khổng lồ” trên thị trường gạo thế giới là Thái Lan và Ấn Độ cộng lại.
Trong điều kiện nguồn cung như vậy, nhu cầu nhập khẩu của thế giới lại giảm, cho nên giá gạo thế giới giảm là hệ quả tất yếu. Các số liệu thống kê và dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, từ kỷ lục 44,1 triệu tấn năm 2014, nhập khẩu gạo của thế giới trong năm 2015 giảm xuống 42,8 triệu tấn, còn năm nay sẽ tiếp tục giảm xuống 41,4 triệu tấn.
Sức ép hạ giá từ thị trường Thái Lan
Tăng mạnh lúa vụ ba đồng nghĩa với lượng lúa gạo tồn kho sẽ càng lớn và giá gạo xuất khẩu sẽ giảm, kéo theo giá mua lúa của nông dân giảm, thậm chí nông dân có thể còn bị lỗ.
Các số liệu thống kê và ước tính hiện nay cho thấy, lượng gạo xuất khẩu của nước ta trong quí 2 vừa qua chỉ đạt hơn 1,2 triệu tấn, là mức thấp kỷ lục kể từ khi chúng ta chạm ngưỡng 6 triệu tấn năm 2009 đến nay. Tổng lượng gạo xuất khẩu trong nửa đầu năm nay của nước ta cũng trong tình trạng gần tương tự.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này bắt nguồn từ việc chúng ta hầu như đã giao nốt hơn nửa triệu tấn gạo theo hợp đồng tập trung ký với Indonesia và Philippines ngay trong hai tháng đầu năm, bốn tháng gần đây là giai đoạn “xả hơi” của các hợp đồng tập trung trong khi lượng gạo xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại sang các thị trường khác không thể lấp được “khoảng trống” này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của nước ta từ năm 2012 trở lại đây. Ngay sau khi Thái Lan tung tin bán 11,4 triệu tấn gạo chỉ trong vòng hai tháng, Trung Quốc đã giảm rất mạnh lượng gạo nhập khẩu của nước ta từ tháng 5 vừa qua. Ngoài ra, với thị trường cũng quan trọng là Malaysia, khối lượng gạo nhập khẩu cũng đã giảm đến 54%.
Các quốc gia bạn hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của nước ta đã hạn chế mua gạo của ta và để... dành mua gạo từ Thái Lan. Các số liệu thống kê của nước ta và Thái Lan cho thấy, trong năm tháng đầu năm nay, trong khi chúng ta chỉ xuất khẩu được 1,44 triệu tấn gạo vào bốn thị trường này thì Thái Lan đã xuất khẩu được gần 1,2 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm 2013, thời điểm Thái Lan đang “chìm đắm” trong cơn khủng hoảng chính sách thế chấp lúa gạo thì con số này của nước ta là 1,56 triệu tấn, còn của Thái Lan chỉ là 154 ngàn tấn.
Gần như chắc chắn điểm mấu chốt khiến lượng gạo xuất khẩu của chúng ta vào bốn thị trường chủ yếu này “giậm chân tại chỗ” như vậy, còn của Thái Lan thì tăng tốc mạnh, chính là... giá cả.
Các số liệu thống kê của nước ta cho thấy, trong khi giá bình quân của nước ta xuất khẩu vào bốn thị trường này năm tháng vừa qua đạt 442 đô la Mỹ/tấn thì giá của Thái Lan “mềm” hơn rất đáng kể - chỉ với 413 đô la Mỹ/tấn.
Một khi nhiều khả năng Thái Lan tiếp tục giảm giá để tăng tốc xuất khẩu như đã nói ở trên, thì giá gạo xuất khẩu của chúng ta sẽ phải kéo xuống.
Không những vậy, trong năm 2017 tới đây, do mưa thuận gió hòa, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa thế giới sẽ tăng khá mạnh (2,1%) và đạt kỷ lục mới 717 triệu tấn trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của thế giới vẫn tiếp tục giảm nhẹ và sẽ là năm thứ tư liên tục giảm. Kịch bản xuất khẩu gạo tiếp tục khó khăn là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Như vậy, giá gạo thế giới có thể sẽ giảm, chí ít là sẽ đứng ở mức thấp.
Chúng ta sẽ vẫn tiếp tục bị Thái Lan cạnh tranh gay gắt ở ba thị trường Đông Nam Á chủ yếu, thậm chí ở thị trường lớn nhất của nước ta là Trung Quốc thì họ có thể còn “qua mặt” nhờ “bảo bối” hợp đồng liên Chính phủ “ăn theo” dự án đường sắt khổng lồ Nong Khai - Bangkok. Vì vậy, tăng mạnh lúa vụ ba đồng nghĩa với lượng lúa gạo tồn kho sẽ càng lớn và giá gạo xuất khẩu sẽ giảm, kéo theo giá mua lúa của nông dân giảm, thậm chí nông dân có thể còn bị lỗ.
Ta kỳ vọng từ việc thế giới mất mùa lúa, xuất khẩu gạo sẽ dễ dàng, giá sẽ nhích lên, thu nhập của nông dân sẽ tốt hơn nên chủ trương tăng tối đa diện tích lúa vụ ba. Nhưng thị trường đã bắt đầu phát ra những tín hiệu ngược lại, cho nên cần tỉnh táo để cân nhắc một cách thấu đáo.
Nguyễn Đình Bích (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: