Mới đây, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết bãi bỏ chương trình thanh tra cá da trơn đã được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố vào cuối năm 2015. Theo thủ tục luật pháp của Mỹ, vẫn còn phải chờ Hạ viện biểu quyết thông qua rồi đến Tổng thống ký thành luật thì việc bãi bỏ chương trình thanh tra cá da trơn, trong đó có cá tra Việt Nam, mới chính thức có hiệu lực.
Mỹ bãi bỏ chương trình thanh tra cá da trơn lúc này chưa chắc đã là điều có lợi cho ngành cá tra Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Một số doanh nghiệp tin rằng việc bãi bỏ này là cần thiết và từ đó, cánh cửa xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ sẽ dần mở rộng.
Bãi bỏ chương trình thanh tra chưa hẳn đã có lợi
Trao đổi với TBKTSG, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho rằng hoạt động xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ vẫn đang diễn ra bình thường và đang trong giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng (từ đầu tháng 3-2016 đến cuối tháng 8-2017) trước khi phải thực hiện chứng nhận tương đương theo chương trình thanh tra cá da trơn. Hiện tại, xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Mỹ chịu sự kiểm soát của USDA về an toàn thực phẩm. Ông Hòe cho biết hiện ta vẫn đang vận động để được phía Mỹ công nhận tương đương - có quy trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu phù hợp với Mỹ, việc xuất khẩu sang Mỹ không bị gián đoạn theo điều luật mới của chương trình thanh tra cá da trơn.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không muốn nêu tên cho rằng với chương trình thanh tra cá da trơn, mà cụ thể là yêu cầu hệ thống sản xuất, chế biến và xuất khẩu của Việt Nam phải tương đương phía Mỹ, sẽ tạo ra một gánh nặng về tài chính rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, trong khi sản phẩm cá tra của ta đã đạt được rất nhiều những chứng nhận an toàn của quốc tế. Vì vậy, theo ông, chương trình này là “không cần thiết”.
Trong khi đó, tuy đồng tình rào cản kỹ thuật thì phải tháo dỡ vì nó là gánh nặng cho không chỉ Việt Nam mà còn cho cả phía Mỹ, nhưng ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), lại có những băn khoăn, cân nhắc khác.
Theo ông Dũng, trong trường hợp chương trình thanh tra cá da trơn, Mỹ không phải nói suông rào cản kỹ thuật của họ như vậy và Việt Nam phải nâng cấp tương đương như vậy, mà họ đưa ra cả những quan niệm, khái niệm, chỉ dẫn rất chi tiết để phía Việt Nam thực hành. Nếu Việt Nam nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ trong giai đoạn này là điều rất tốt, sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, từ cách nuôi, vận chuyển cho đến chế biến và xuất khẩu và thậm chí cung cách quản lý nhà nước.
Khi nền sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam được chứng nhận tương đương với nền sản xuất cá da trơn của Mỹ theo chương trình thanh tra cá da trơn, thì không lý do gì họ lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra của Việt Nam nữa.
“Ví dụ, Mỹ đưa ra quan niệm con cá ở trong ao nuôi, anh phải quản lý mọi mặt đã đành, nhưng khi anh vận chuyển trên sông để đến nhà máy, có hai vấn đề có thể xảy ra, đó là con cá sẽ gây ô nhiễm nguồn nước trên sông và có nguy cơ bị nhiễm bẩn (kháng sinh chẳng hạn). Cái này chúng ta hoàn toàn không nghĩ tới, chúng ta thường chỉ vì lợi ích của người nuôi cá, chứ chưa nghĩ đến những người không nuôi cá, những ngành không liên quan đến cá. Nhưng, một xã hội phát triển không chỉ có lợi ích của người nuôi cá”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, cách lập luận của Mỹ là phải thay đổi, trong đó có việc thay đổi phương thức vận chuyển cá đến nhà máy, là có lý. Vậy thì, “vượt qua rào cản bây giờ với sự hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ hay không vượt qua để rồi sản xuất của ngành này (cá tra) để ngành khác phải hứng chịu gánh nặng? Đó là chưa kể đến việc chuẩn mực chất lượng cá tra Việt Nam sẽ rất khó được cải thiện và điều này chúng ta đã thấy với ngành lúa gạo, không đối diện với rào cản lớn nào, cứ xuất khẩu gạo thấp cấp, bây giờ có nâng cấp được hay không?”, ông Dũng đặt vấn đề.
“Hiểu một cách dài hạn và thâm sâu như vậy, chúng ta rất cần có bàn tay mạnh, chương trình thanh tra cá da trơn, để “giải phẫu” ngành cá tra”, ông Dũng khẳng định.
Vấn đề nội tại của ngành cá
Một vị giám đốc doanh nghiệp lớn ở ĐBSCL nói: “Với chương trình thanh tra cá da trơn, chúng tôi phải chịu thêm gánh nặng về chi phí nên khả năng cạnh tranh với các loại cá thịt trắng ở thị trường Mỹ sẽ kém hơn, nhưng nếu bãi bỏ, tức gánh nặng này cũng mất đi thì theo đó, cánh cửa xuất khẩu vào Mỹ cũng rộng hơn”.
Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng những khó khăn chúng ta gặp phải trong thời gian qua như kim ngạch xuất khẩu năm 2015 sụt giảm mạnh 12,6% so với năm 2014; sản lượng và diện tích nuôi những tháng đầu năm 2016 sụt giảm mạnh so với 2015 “không phải do chương trình thanh tra cá da trơn gây ra (vì nó chưa được thực hiện)” mà là “do vấn đề nội tại của chính mình gây ra nhiều hơn”.
Cụ thể, theo ông Dũng, thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “đi đêm” - thương lượng riêng với phía Mỹ để không bị đánh thuế chống bán phá giá, không đưa vào danh sách bị đơn bắt buộc. Do đó, theo ông, vấn đề lớn nhất hiện nay là giải quyết chuyện thuế chống bán phá giá. “Theo TPP, thì thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ giảm xuống bằng 0%, thuế chống bán phá giá mới là cái đòn rất nặng đến ngành cá của chúng ta”, ông nói.
Khi nền sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam được chứng nhận tương đương với nền sản xuất cá da trơn của Mỹ theo chương trình thanh tra cá da trơn, thì không lý do gì họ lại tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra Việt Nam nữa. Đó là chưa kể khi anh đạt được những chuẩn mực, những đòi hỏi khắt khe của thị trường Mỹ, tức nâng cấp được toàn bộ từ khâu giống, vận chuyển, chế biến và xuất khẩu, thì hình ảnh cá tra Việt Nam sẽ thay đổi, chúng ta có thể tận dụng cơ hội đó để sau này truyền thông, tiếp thị để cá tra chúng ta không nằm ở phân khúc thấp nữa, giá trị xuất khẩu theo đó sẽ tăng lên.
Trung Chánh (thesaigontimes.vn)
Không có nhận xét nào: