Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê nhân hàng đầu thế giới, chiếm 18,9% về thị phần và 19,8% về thương mại. Trong đó, 90% diện tích và sản lượng thuộc về các tỉnh Tây Nguyên. Ngành cà phê hiện đóng góp 30% GDP, tạo công ăn việc làm cho hơn 20% số dân toàn vùng. Tuy nhiên, cứ mỗi niên vụ đi qua, cà phê Tây Nguyên để lại một dư vị khác nhau, khi ngọt ngào, lúc đắng cay, tùy thuộc vào giá cả thị trường, khiến nông dân nhiều phen điêu đứng. Ổn định và phát triển sản xuất gắn với thương hiệu là mong mỏi của những người làm cà phê trên vùng đất Tây Nguyên.
Chế biến cà phê nhân tại Công ty TNHH Cà phê Hà Lan - Việt Nam (TP Buôn Ma Thuột, Đác Lắc). Ảnh: Hồng Kỳ
Bài 1: Bấp bênh cây chủ lực
Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, niên vụ 2014- 2015, tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước chỉ đạt 1,25 triệu tấn với kim ngạch 2,62 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng và 20,1% về kim ngạch so với niên vụ 2013 - 2014. Đây là một niên vụ buồn khi mà điệp khúc “mất mùa, trúng giá” cũng không còn đúng với nông dân Tây Nguyên, bởi giá cà phê liên tục giảm dù năng suất, sản lượng cũng “xuống dốc không phanh”.
Nông dân hụt hẫng, doanh nghiệp thất thu
“Thu hoạch cà phê xong mà thấy hụt cả người” là tâm trạng của chị Nguyễn Thị Kim (thôn Cao Thành, xã Eakao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đác Lắc). Làm sao không hẫng hụt khi năng suất trung bình chỉ đạt 1,2 tấn/ha, cá biệt có những diện tích chỉ đạt 7 tạ/ha - con số quá nhỏ bé so với nhiều niên vụ trước và so với bao nhiêu mồ hôi và công sức đã đổ ra suốt một niên vụ nhọc nhằn. Trong khi đó, giá bán ra cũng chỉ đạt 33 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm xuống 30 nghìn đồng/kg, so với trung bình nhiều niên vụ khác là 38 - 40 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, người nông dân chắc chắn thua lỗ. Không chỉ ở Đác Lắc, mà vùng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng là huyện Lâm Hà cũng ở vào tình trạng tương tự. Mặc dù năng suất vẫn giữ được mức trung bình từ 3 - 5 tấn/ha nhờ nước tưới tiêu đầy đủ hơn nhưng lại phải "chịu trận” từ tiền bỏ ra thuê nhân công, cộng với giá bán thấp cho nên lợi nhuận cũng không đáng là bao. Hộ gia đình anh Đoàn Văn Dậu (thôn Liên Hà 2, xã Liên Hà) có 2,8 ha. Theo tính toán, để đầu tư chăm sóc một ha cà phê trong một niên vụ, chi phí khoảng 90 triệu đồng. Với năng suất như niên vụ vừa rồi chỉ đạt 3 tấn/ha, mức giá 33 triệu đồng/tấn, chỉ cho thu nhập 99 triệu đồng/ha. Trong khi đó, công hái cà phê năm 2015 có thời điểm thuê lên tới 90 nghìn đồng/tạ (khoảng 900 nghìn đồng/tấn). Cộng với số tiền đầu tư ban đầu, tổng chi phí cho một ha cà phê lên tới gần 93 triệu đồng. Như vậy, lời lãi không đáng là bao.
Nguyên nhân của sự sụt giảm sản lượng là do thời tiết bất thường, lượng mưa ít, thiếu nước tưới trầm trọng. Mặt khác, cũng do diện tích cà phê già cỗi đang tăng nhanh qua từng năm khiến năng suất thấp, quả nhỏ, không đều. Theo khảo sát, số cà phê già cỗi, cần tái canh trên toàn vùng lên tới gần 200 nghìn ha, chiếm 30% tổng diện tích. Ngoài ra, việc thiếu nước tưới từ nhiều năm nay, đặc biệt nghiêm trọng trong vài năm trở lại đây, là một nguy cơ báo động đối với ngành sản xuất cà phê khu vực Tây Nguyên. Nó được coi là vấn đề có ý nghĩa sống còn, hơn cả chuyện tái canh hay đẩy mạnh chế biến. Nếu không được giải quyết sớm, sẽ không thể chặn đà suy giảm sản lượng.
Về giá cà phê lao dốc, đỉnh điểm là tháng 8-2015, giá giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây, ở mức 30 nghìn đồng/kg. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Lương Văn Tự cho biết: Từ giữa tháng 10-2014, tại Việt Nam, giá cà phê đã giảm từ hơn 40 triệu đồng/tấn xuống còn dưới 35 triệu đồng/tấn. Nguyên nhân, do trên thị trường thế giới, vào thời điểm đó, giá cà phê kỳ hạn giảm mạnh, chỉ đan xen những thời gian tăng giá ngắn hạn. Tỷ giá USD tăng mạnh, đồng Euro và real Brazil giảm mạnh là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới giá cà phê. Ngoài ra, các yếu tố thời tiết, bất ổn tài chính - địa chính trị như khủng hoảng nợ Hy Lạp, Trung Quốc phá giá đồng nhân nhân tệ, khủng hoảng giá dầu, bất ổn Trung Đông cũng là những nhân tố đẩy nhanh quá trình giảm giá cà phê.
Dang dở ở tất cả các khâu
Hiện nay, diện tích cà phê cả nước vào khoảng 650 nghìn ha, trong đó Tây Nguyên chiếm 570 nghìn ha. Chính vì vậy, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực Tây Nguyên. Với diện tích 3,8 triệu ha đất lúa mới cho kim ngạch xuất khẩu gạo gần 3 tỷ USD/năm thì với diện tích cà phê chỉ bằng 1/6 đất lúa đã đem về giá trị kim ngạch tương tự. So sánh như thế để thấy, tính về giá trị, cà phê không thua kém mặt hàng nông sản chủ lực nào của Việt Nam, thậm chí còn có giá trị gia tăng lớn hơn cả lúa, gạo hay thủy sản. Tuy nhiên, cũng như nhiều loại nông sản khác, việc phát triển ngành hàng cà phê đang dang dở ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Từ trước nay, chúng ta vẫn luôn cho rằng, giá trị ngành hàng cà phê Việt Nam đạt thấp là do chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, cà phê chế biến sâu chỉ đạt chưa đầy 10% giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy cũng chưa thật chính xác, bởi lẽ, dù xuất khẩu thô nhưng nếu chất lượng nhân cao thì mức giá chắc chắn không thấp và không lo thiếu thị trường. Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự án cà phê bền vững (Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đăk Lăk) thì: Các đối tác nhập khẩu cà phê nhân của nước ta cũng tính mức giá dựa trên chất lượng cà phê hạt thô, như: độ bóng, sự đồng đều, không đen, mốc… Nhưng ngay cả những yếu tố cơ bản đó, chúng ta cũng làm chưa tốt, cụ thể là khâu chế biến sơ ngay sau thu hoạch như: hái, phơi, sấy… Hiện nay, hầu hết nông dân Tây Nguyên phơi cà phê trên nền sân, dựa hoàn toàn vào thời tiết, cho nên nếu không đủ nắng thì hạt dễ bị đen mà gặp mưa thì dễ mốc. Chính vì vậy, khi bán, chất lượng không bảo đảm, Công ty cũng không dám mua giá cao vì biết rõ mình xuất đi cũng không được giá. Đó là chưa kể đến hiện tượng người dân thường không thu hoạch theo phương pháp lựa quả chín mà đánh đồng, thu hoạch lẫn cả quả xanh để đỡ tốn chi phí thuê nhân công. Chính vì vậy, hạt không đồng đều, dễ vỡ sau khi phơi sấy, khiến cà phê nhân mất giá. Tất nhiên, để hoàn thiện khâu sau thu hoạch thì cần đầu tư máy móc, công nghệ. Đối với người nông dân, việc đầu tư không đơn giản bởi cần số tiền tương đối lớn. Với doanh nghiệp, nhờ có máy tách đá, máy bắn hạt đen, máy đánh bóng hạt cho nên có thể phân loại được cà phê nhân bán theo từng mức giá. Nhưng ngay từ khâu sau thu hoạch của người nông dân, chất lượng cà phê đã không cao thì doanh nghiệp cũng không thể làm chủ được giá khi bán cho các nhà nhập khẩu.
Về vấn đề xuất khẩu thô và định hướng phát triển chế biến sâu cho sản phẩm cà phê, ông Dũng chia sẻ: Chế biến sâu với hình thức rang, xay, hòa tan cũng là một định hướng nhưng phải trong tương lai xa. Bởi cái khó đối với sản phẩm chế biến sâu hiện nay không phải chỉ là công nghệ mà là thị trường. Để cạnh tranh và tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm này không dễ và đòi hỏi tiềm lực tài chính vượt trội của doanh nghiệp. Ở một khía cạnh khác, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái Nguyễn Xuân Lợi cho biết: Trong sáu tháng đầu của niên vụ 2014- 2015, cả nước xuất khẩu được 34 nghìn tấn cà phê hòa tan, đây là lượng xuất khẩu cao nhất trong vòng 5 năm qua. Nhưng hiện tại, các nhà rang xay của Việt Nam chủ yếu hoạt động nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, tham gia chế biến dựa vào kinh nghiệm, theo gu truyền thống, cho nên không có sức cạnh tranh và đáp ứng được nhu cầu an toàn thực phẩm trong thời kỳ khu vực hóa, toàn cầu hóa. Trong khi thị trường nội địa lại đang có xu hướng bị chiếm lĩnh bởi các nhà rang xay lớn của thế giới. Chính vì vậy, trong thời gian ngắn hạn, việc phát triển chế biến sâu chưa thật sự khả quan đối với các doanh nghiệp cà phê Việt Nam.
Theo Đề án “Phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt năm 2014, mục tiêu đến năm 2020, diện tích cà phê cả nước giữ ổn định ở mức 600 nghìn ha, tổng sản lượng 1,6 triệu tấn/năm, giá trị bình quân đạt 120 triệu đồng/ha, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 3,8 - 4,2 tỷ USD/năm. Đặc biệt, sẽ có khoảng 80% sản lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp cho các nhà tiêu thụ, các nhà rang xay nước ngoài, không qua khâu trung gian. Trước thực trạng ngành cà phê còn dang dở ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ thì đây quả là thách thức lớn đối với cả nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu.
(còn nữa)
Bài và ảnh: Ánh Tuyết (Báo Nhân Dân)
Không có nhận xét nào: