Là người đầu tiên phát triển trái thanh long trở thành sản phẩm hàng hóa từ năm 1988, trong suốt 27 năm qua, ông Trần Ngọc Hiệp luôn là người dẫn đầu trong ngành này.
Ông Hiệp (phải) giới thiệu thanh long tím hồng với khách tham quan - Ảnh: Chí Nhân
Khoảng 30 năm trước khi cây thanh long được người dân Bình Thuận trồng như một loại cây cảnh, trái chỉ để ăn chơi chứ chưa thành hàng hóa, thì theo quan sát của ông Hiệp, đó là loại cây mà “bảo nó chết nó cũng không chết. Mình chặt nó đem bỏ thì nó cũng vẫn sống rồi đơm hoa, có trái quanh năm mà trái lại ngọt, mát rất dễ ăn”.
Nhiều người nghĩ... bị khùng
Chính từ những quan sát trên, năm 1988, ông Hiệp quyết định nhân giống thật nhanh cây thanh long và trồng hết trên cả khu vườn rộng 3 ha. “Lúc đó nhiều người nghĩ tôi bị khùng”, ông Hiệp nhớ lại. Nhưng khi thấy sản phẩm tiêu thụ rất tốt ở các tỉnh lân cận rồi lan rộng ra khắp toàn quốc thì nhiều người làm theo và dần dần hình thành nên một loại cây thế mạnh của tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Làm ăn hiệu quả, ông Hiệp mở rộng dần diện tích và đến nay là 400 ha thanh long đang cho thu hoạch. Toàn bộ diện tích đều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. “Thanh long của tôi chiếm tới 90% sản lượng xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường châu Âu. Nếu mình không làm theo các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm thì... mình có cho không họ cũng không lấy”, ông Hiệp giải thích về lý do đầu tư quy mô lớn, bài bản cho trang trại thanh long của mình.
Để duy trì được vị thế dẫn đầu, cuối năm 2013 ông Hiệp quyết định đầu tư 2 tỉ đồng vào khâu giống. Ông mua giống thanh long tím hồng mà Viện Cây ăn quả miền Nam vừa lai tạo được. Đây là lần đầu tiên một giống cây ăn quả được thương mại hóa ở Việt Nam và ông Hiệp hiện nắm độc quyền về sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ giống cây này. Để khai thác hết tiềm năng của giống mới, ông Hiệp đang tích cực mở rộng diện tích trồng lên đến 500 ha. “Tôi sẽ đưa nó ra thị trường vào một thời điểm gần đây khi mà chúng tôi có thể chủ động được về sản lượng”, ông Hiệp chia sẻ.
Chưa bán trái đã có lời
Ông Hiệp kể, trước năm 2003 ông đã có khách hàng ở nước ngoài nhưng phải xuất khẩu theo dạng ủy thác qua một đối tác khác. Nhưng khi lượng sản phẩm xuất khẩu ngày càng nhiều, ông quyết định thành lập doanh nghiệp để có thể xuất trực tiếp và cũng để bắt đầu cho việc xây dựng thương hiệu. Đó là lý do thương hiệu thanh long Hoàng Hậu (ghép từ tên của hai người con trai) ra đời và sản lượng xuất khẩu ngày càng lớn.
Theo ông Hiệp, khi quyết định "làm ăn lớn" sẽ gặp khó khăn về việc quản lý điều hành nhưng cũng có nhiều cái lợi. Đơn cử, chi phí sản xuất trên một đơn vị diện tích sẽ thấp hơn so với sản xuất kiểu truyền thống vì có thể mua phân bón với giá sát với giá thực hơn; sản lượng lớn có thể đảm bảo về chất lượng đồng đều cho những đơn hàng lớn, nhờ vậy khách hàng thường ưu tiên. Đặc biệt khi làm ăn lớn thì có cơ hội đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Hiệp dẫn chứng: “Tôi bỏ ra 2 tỉ đồng để mua giống thanh long tím hồng và nắm bản quyền giống này nên cho phép chúng tôi độc quyền trong sản xuất, kinh doanh. Ở góc độ khoa học nó tạo điều kiện thúc đẩy các nhà khoa học tích cực nghiên cứu lai tạo ra những giống mới, chất lượng ngày càng tốt. Chúng tôi chưa tung sản phẩm ra thị trường nhưng đã có lời rồi. Đó là cái "lời" từ việc các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về giống, về sự kiện đó, góp phần xây dựng uy tín thương hiệu cho thanh long Hoàng Hậu. Khoản lợi đó còn lớn hơn con số 2 tỉ đồng mà chúng tôi bỏ ra”.
Chí Nhân (Báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào: