» » Tạo sức bật cho nông, thủy sản chủ lực vươn ra thế giới (Kỳ VI)

Chỉ tiêu thay thế diện tích cà phê già cỗi đã được các nhà quản lý đưa ra có lộ trình rõ ràng, rành mạch. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp không mặn mà, người dân thì loay hoay kế sinh nhai, chính sách ưu đãi cho rằng chưa đủ. Nhiều ý kiến quan ngại: Chương trình này liệu có khả thi?

Kỳ VI: “Nhọc nhằn” tái canh cà phê

Nhiều diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh.

Hàng ngàn ha cà phê “lão hóa”

“Trong 5 - 10 năm tới, tổng diện tích cà phê già cỗi cần phải thay thế khoảng 140.000 - 160.000 ha. Nếu không sớm tái canh thì sản lượng cà phê sẽ không đáp ứng nhu cầu xuất khẩu”- ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó phụ trách Phòng cây công nghiệp, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Tính đến hết năm 2014, diện tích cà phê cả nước khoảng 641.700 ha. Trong số diện tích trên, có khoảng 86.000 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%), khoảng 140.000 ha cà phê từ 15- 20 năm tuổi (chiếm 25%), tập trung nhiều ở Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai.

Ông Phan Hữu Đễ- Cố vấn cao cấp của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa)- khẳng định: Tỷ lệ diện tích cây cà phê già cỗi, kém năng suất trên cả nước vẫn tiếp tục tăng nhanh trên 30%, khiến cho sản lượng và xuất khẩu cà phê niên vụ tới 2015- 2016 tiếp tục giảm hơn nữa.

Đến xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar (Ðăk Lăk), một gia đình trồng cà phê ở đây cho biết, các vườn cà phê trên địa bàn xã đang trong tình trạng “ôm mộng” chờ tái canh. Do tỷ lệ cà phê già cỗi lớn nên năng suất tối đa chỉ đạt khoảng 10 tấn quả tươi/ha (trong khi các vườn cà phê trẻ ở các huyện khác có thể đạt năng suất gấp 2-3 lần). Vì vậy, sau mỗi vụ cà phê, trừ sản lượng phải nộp cho công ty, tiền đầu tư phân bón, lợi nhuận còn lại không được bao nhiêu.

Để triển khai chương trình tái canh cà phê, Bộ NN&PTNT cùng với các ngành liên quan đã thành lập Ban chỉ đạo tái canh cà phê, phê duyệt Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, ban hành Quy trình tái canh cà phê vối và định mức kỹ thuật tái canh cà phê. Một số địa phương như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông cũng đã xây dựng dựng Kế hoạch tái canh cà phê được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, trong 3 năm qua, Vicofa đã thu xếp nguồn tài chính gần 6 tỷ đồng ký hợp đồng thu mua hạt giống, cây giống của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên để cấp miễn phí cho các Sở NN&PTNT 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức gieo ươm, sau đó phân phối cho người trồng và doanh nghiệp để tái canh cà phê.

Loay hoay chuyện tái canh

Theo định hướng phát triển ngành cà phê bền vững đến năm 2020, đặt mục tiêu đến năm 2020, thực hiện trồng tái canh mỗi năm từ 15- 20% diện tích cần phải tái canh. Nhưng trên thực tế, việc tái canh cây cà phê còn quá gian nan. Ông Lương Văn Tự- Chủ tịch Vicofa- cho biết, để tái canh, chi phí rất tốn kém, khoảng 150 triệu đồng/ha, có nơi từ 160- 200 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, cái khó của tái canh là đối với người trồng phải mất từ 1,5- 2 năm để cải tạo đất (trồng các loại cây khác), sau đó trồng mất thêm 3 năm nữa mới thu hoạch.

Một tin vui đã đến với doanh nghiệp, người nông dân khi vào ngày 11/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã có Văn bản số 3227/NHNN- TD hướng dẫn triển khai chính sách cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014- 2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1685/VPCP-KTTH ngày 12/3/2015. Theo đó, đối tượng cho vay là các tổ chức, cá nhân thực hiện tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, với mức cho vay tối đa là 150 triệu đồng/ha, thời hạn cho vay tối đa 8 năm, trong đó thời gian ân hạn trả nợ gốc và lãi là 4 năm tính từ thời điểm khách hàng và ngân hàng ký hợp đồng vay vốn, với lãi suất cho vay không vượt quá 7%/năm.

Tuy nhiên, ông Lương Văn Tự cho rằng, mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn, thủ tục còn bất cập, liên quan đến những điều kiện vay vốn như sổ đỏ đất, tài sản thế chấp. Thực tế hiện nay, phần lớn tài sản trên đất của nông dân (như nhà cửa, vườn cây cà phê) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, dẫn đến việc xác định giá trị tài sản bảo đảm và thực hiện hợp đồng thế chấp rất khó khăn. Hơn nữa, giá chuyển nhượng vườn cà phê thực tế rất cao nhưng xác định giá để thế chấp thì chỉ được tính theo giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố hàng năm.

Trước thực tế này, Bộ NN&PTNT kiến nghị, để việc vay vốn hỗ trợ cho chương trình tái canh cà phê đến tận người sản xuất, ngân hàng nên tính toán lại mức lãi suất cho từng thời kỳ. Đồng thời, cần có sự linh động hơn trong việc thế chấp tài sản để vay vốn tái canh, ví dụ với những khoản vay 50 triệu đồng trở xuống, nếu chứng minh có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi có thể cho vay tín chấp…

Dự kiến tháng 6/2015, Ban chỉ đạo tái canh cà phê sẽ họp tại Tây Nguyên, trong đó, yêu cầu các tỉnh báo cáo về tình hình tái canh cà phê trong năm vừa qua, đặc biệt là những vướng mắc, khó khăn và tìm cách tháo gỡ trong quá trình triển khai như nguồn vốn vay, tiếp cận vốn.

Bài viết liên quan:






Quỳnh Nga - Lan Anh/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: