Mặc dù, Việt Nam có tiềm năng lớn về nông nghiệp với xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nhóm sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, hạt điều… luôn dẫn đầu thế giới về xuất khẩu. Nhưng vẫn có một thực tế là nông sản Việt bị chèn ép trên sân nhà và vẫn chưa mở rộng được thị trường quốc tế.
Kỳ II: Nông sản Việt lép vế trên sân nhà
Trái cây ngoại lấn át trái cây nội tại các chợ, siêu thị
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, hàng đêm các xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau chở đầy nông sản Trung Quốc nằm xếp hàng la liệt tại chợ đầu mối nông sản Bình Điền, Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh). Các thùng xốp ghi nhan nhản chữ Trung Quốc đựng đầy nho, táo, lê, lựu... Các xe tải nhỏ biển số các tỉnh lên “ăn” hàng sớm được bốc xếp đủ loại trái cây này chờ xuất bến, tỏa đi khắp nơi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, còn là tình trạng hàng rau, củ, quả Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc lấn át. Theo chị P.T.T (tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, Tân Bình), thông thường giá nhập các mặt hàng nông sản của Trung Quốc rẻ hơn so với nông sản trong nước khoảng 40 - 50%, mẫu mã đa dạng, bắt mắt… Với mức lợi nhuận cao như vậy thực trạng hàng nông sản Trung Quốc lấn át hàng Việt cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, hàng Việt Nam với vài loại quả chỉ đếm trên đầu ngón tay như dưa hấu, bưởi, vú sữa, thanh long, măng cụt…
Từ phía người tiêu dùng dù biết rõ sản phẩm xuất xứ Trung Quốc nhưng vì giá rẻ nên vẫn lựa chọn bởi điều kiện kinh tế eo hẹp, những chủ quán cơm, nhà hàng cũng thường nhập loại rau, củ, quả này để kinh doanh chế biến. Hoặc nhiều loại hoa quả là hàng Trung Quốc nhưng bằng công nghệ dán mác tinh vi lại nghiễm nhiên trở thành hàng của Úc, Mỹ, Thái… để lừa người tiêu dùng.
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): "Trái cây ngoại cạnh tranh trực tiếp với hàng nội, các nhà sản xuất Việt Nam cần phải suy nghĩ để tăng sức cạnh tranh trên sân nhà. Bước đi quan trọng và cần thiết để cạnh tranh với hàng ngoại là các nhà sản xuất trái cây Việt phải tự nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối, xuất khẩu."
Nhiều tiểu thương tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, các loại trái cây của Thái Lan như sầu riêng, măng cụt, xoài, bòn bon… thường có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt đặc biệt là khi nông sản Việt hết mùa thì hàng Thái vẫn còn và giá lại ổn định. Chính vì những lý do đó mà hàng Thái luôn được ưu tiên tại các chợ và chễm chệ trong các hệ thống siêu thị lớn. Thêm vào đó, giá trái cây Thái không cao hơn nhiều so với hàng trong nước (trung bình cao hơn 4.000 - 10.000 đồng/kg) nên người tiêu dùng có xu hướng thích mua hàng Thái hơn.
Ông Lã Văn Triệu- chủ vựa trái cây chợ Hiệp Thành (quận 12) - cho biết: Rất khó có thể so sánh trái cây Việt và trái cây nhập ngoại loại nào ngon hơn, nhưng có một điều mà hàng ngoại nhìn rất bắt mắt khi quả to, bóng, đều, đẹp. Các chủng loại đáp ứng được số lượng lớn mà chất lượng khá đồng nhất.
Hiện nay, hầu hết trái cây ngoại nhập đang áp đảo tại các chợ truyền thống Việt. Riêng một số mặt hàng như sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, me, măng cụt, xoài đều từ Thái. Trong khi xuất khẩu trái cây đang đạt những kết quả ấn tượng, với việc các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand... đang gia tăng nhập khẩu trái cây Việt thì chính thị trường trong nước lại bị bỏ ngỏ và bị trái cây nhập khẩu lấn át. Điều này đòi hỏi những nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia và cả chính người tiêu dùng trong nước cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại, tìm cách tháo gỡ tình trạng này.
Kỳ III: Hướng đi nào cho thị trường nông sản Việt?
Bài viết liên quan:
Thanh Sơn/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: