Để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, thuốc kích thích sinh trưởng rau, củ, quả được "thay tên đổi họ" núp bóng dưới dạng các loại phân bón cao cấp...
Sản phẩm phân bón lá cao cấp được nhiều chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật và nông dân khẳng định có tác dụng như thuốc kích thích sinh trưởng
Thời gian gần đây, thông tin rau, củ, quả được một số nông dân "tắm" bằng các loại thuốc kích thích sinh trưởng để nhanh bán ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Vậy ở tỉnh Hải Dương nông dân có sử dụng các loại thuốc kích thích cho cây trồng và việc mua bán các loại thuốc này liệu đã được kiểm soát?
Núp bóng phân bón cao cấp
Để giúp tôi mục sở thị các loại thuốc kích thích này, anh Hưng, nông dân ở một địa phương có truyền thống trồng rau của tỉnh đưa tôi đến một cửa hàng ngay cổng chợ làng. Nếu không được anh Hưng đưa đi chắc tôi không biết đó là cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bởi bên ngoài cửa hàng chỉ đề biển bán phân bón và hàng tạp hóa. Vừa nhác thấy bóng khách, bà chủ quán đã nhanh nhảu: "Lâu lắm không thấy chú đến mua hàng. Hôm nay có hàng mới rồi nhé. Loại cũ chị không dám bán vì sợ vài hôm nữa cơ quan chức năng đến kiểm tra lại bị phạt vì tội bán thuốc không có xuất xứ rõ ràng”.
Trên nhãn bao bì loại thuốc kích thích sinh trưởng mới mà chị chủ quán giới thiệu cho tôi và anh Hưng chỉ ghi là phân bón cao cấp do một công ty có địa chỉ tại đường Trần Đăng Tuyển (TP Bắc Giang) sản xuất. Mặc dù bán tín, bán nghi về những tác dụng mà loại phân bón cao cấp này mang lại nhưng do chị chủ quán khẳng định chắc nịch về công dụng của nó giống như thuốc kích thích nên anh Hưng và mấy nông dân đi cùng vẫn quyết định mua về dùng thử.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên thị trường tỉnh ta thuốc kích thích sinh trưởng thường núp bóng dưới dạng các loại phân bón lá cao cấp như vậy. Trên bao bì của các loại phân bón này không ghi các thành phần của chất kích thích nhưng theo tiết lộ của một chủ quán bán thuốc BVTV ở thị trấn Gia Lộc thì đó chỉ là cách "thay tên đổi họ" cho thuốc kích thích để tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Tìm hiểu thêm về tình trạng mua bán thuốc kích thích sinh trưởng cho cây trồng, chiều 9-5, tôi đến một vùng chuyên trồng dưa nổi tiếng của tỉnh hỏi mua thuốc kích thích cho dưa nhanh to quả. Chủ một cửa hàng ở thôn A, xã L.L không ngần ngại cho biết: "Muốn mua loại thuốc kích thích bột phải đợi vài ngày nữa bởi đang hết hàng. Hiện chỉ còn phân dưỡng quả loại dung dịch cũng có tác dụng gần như thuốc kích thích". Vừa nói chủ quán vừa đưa cho tôi 2 ống thuốc bằng nhựa màu trắng rồi hướng dẫn cách dùng. Trước khi tôi về chủ quán còn nói thêm: “Loại thuốc này chỉ ghi là phân bón dưỡng quả nhưng cô phải nhớ thời gian cách ly giống như thuốc kích thích nhé”. Mỗi gói thuốc kích thích dạng bột có xuất xứ từ Trung Quốc giá chỉ 5.000 đồng nhưng loại phân bón lá dung dịch tôi vừa mua đắt hơn, 15.000 đồng/ống. Đây là loại chuyên dùng cho dưa chuột, dưa hấu, dưa bở, dưa lê. Trên bao bì ghi rõ có tác dụng giúp cây nhanh bật chồi, xanh lá, quả nhanh to, đẹp mã...
Theo nhiều nông dân thì hiện nay trên nhãn đa phần các loại thuốc kích thích sinh trưởng không đề rõ tên là thuốc kích thích như trước mà đề là phân bón lá hoặc dung dịch hỗ trợ sinh trưởng nên chỉ những người bán mới biết và hướng dẫn người sử dụng. Giá bán cũng không quá đắt nên nông dân dễ dàng mua được.
Chớ lạm dụng
Tôi xin đi theo một nông dân cùng mua thuốc kích thích sinh trưởng trá hình tại cửa hàng ở thôn A., xã L.L để học hỏi kinh nghiệm sử dụng. Chị này bảo, phải đợi khi trời tắt nắng mới nên phun thuốc cho dưa bởi trời nắng thuốc sẽ không phát huy hết tác dụng. Gần 6 giờ chiều, tôi lễ mễ xách máy bơm thuốc và dụng cụ pha thuốc cùng chị H. ra cánh đồng. Chị H. pha ống thuốc vừa mua với khoảng 15 lít nước, dùng que khuấy đều sau đó phun lần lượt lên 5 luống dưa. Bình thứ 2, tôi thấy chị dùng đến 2 ống thuốc để pha vào lượng nước như trước. Thấy tôi ngạc nhiên, chị giải thích: "Mấy luống dưa sau phát triển kém, quả bé nên dùng nhiều cho quả mau lớn, quả đều nhau tư thương sẽ mua hết, không loại ra nhiều”. Nếu theo hướng dẫn của chủ quán mà tôi và chị H. mua thuốc thì chị H. đã sử dụng gấp đôi liều lượng được hướng dẫn. Thực tế, không chỉ chị H. mà nhiều nông dân trong tỉnh đang sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng không tuân theo khuyến cáo của các cơ quan chức năng hoặc hướng dẫn trên bao bì của sản phẩm.
Nhiều người trồng rau muống, rau cải thường dùng thuốc kích thích loại viên sủi
Tìm hiểu về công dụng của thuốc kích thích sinh trưởng, một nông dân chuyên trồng rau muống ở một xã gần TP Hải Dương tiết lộ: rau quả sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng nhanh lớn, mẫu mã đẹp hơn các loại rau chỉ bón bằng các loại phân thông thường. Các loại rau ăn lá sử dụng nhiều thuốc kích thích nhất. Thời điểm nông dân dùng nhiều thuốc chủ yếu vào giai đoạn đầu vụ, trái vụ hoặc sau mưa bão, rét đậm, khi nguồn cung rau khan hiếm. Thời điểm này nông dân thường sử dụng thuốc kích thích để rau phát triển nhanh nhằm bán với giá đắt. Nhiều loại thuốc có thể thúc rau cho thu hoạch chỉ 2-3 ngày sau khi phun. Người trồng rau muống và rau cải thường dùng loại viên sủi, giá khoảng 16.000- 20.000 đồng/viên, có thể bơm trong vòng 3 ngày trước khi thu hoạch.
Chất kích thích sinh trưởng hoặc sản phẩm có tác dụng gần như thuốc kích thích hiện nay được mua bán công khai trên thị trường nhưng sản phẩm này tác động thế nào lên cây trồng thì không phải ai cũng biết. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhị, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV, hiện nay các loại thuốc kích thích sinh trưởng được liệt vào chung với thuốc BVTV. Tuy nhiên cơ chế tác động lên cây trồng của các loại thuốc này lại khác nhau. Thuốc trừ sâu bệnh có tác dụng lên sâu bệnh, còn thuốc kích thích sinh trưởng tác động trực tiếp lên cây trồng với mục đích duy nhất là tăng năng suất. Thuốc kích thích sinh trưởng hiện nay chủ yếu chứa các hợp chất như NAA, Gibberellin, Xytokinin dưới nhiều tên gọi thương mại khác nhau. Nguy hiểm hơn hiện nay trên thị trường còn xuất hiện các loại thuốc kích thích nhưng dưới dạng phân bón lá, trên bao bì không hề ghi rõ các thành phần này nên rất khó kiểm soát. Nông dân dễ lạm dụng loại phân bón này trên cây trồng mà không nhận thức hết được những tác dụng xấu của chúng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo bà Nhị, thuốc kích thích sinh trưởng có thể không gây hại cho người sử dụng nếu được dùng đúng liều lượng và bảo đảm thời gian cách ly. Nhưng về lâu dài người dân không nên lạm dụng các loại thuốc này, chỉ nên sử dụng các loại phân vi sinh, phân bón hữu cơ cho cây trồng để vừa cải tạo đất vừa giúp rau sinh trưởng và phát triển tốt.
Hải Minh/ Báo Hải Dương
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh đã lấy hàng trăm mẫu rau quả, nhất là các loại rau mầm và giá đỗ để kiểm tra về dư lượng thuốc kích thích sinh trưởng, nhưng trong tổng số các mẫu rau, quả được kiểm định chưa phát hiện mẫu nào có dư lượng thuốc kích thích sinh trưởng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng theo khuyến cáo của cơ quan này, do chưa có điều kiện lấy nhiều mẫu kiểm tra nên các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc sử dụng thuốc theo nguyên tắc "4 đúng", đặc biệt không nên lạm dụng thuốc kích thích sinh trưởng trong sản xuất.
Không có nhận xét nào: