Xây dựng thương hiệu cho hàng Việt từ nhiều năm nay luôn được quan tâm đặc biệt. Tiếc thay, khi gạo Việt Nam giữ ngôi vị thứ 2 thế giới thì thương hiệu nổi bật của gạo Việt chỉ là... “gạo trắng”, “gạo thơm”!
Kỳ IV: Xây dựng thương hiệu gạo - Không thể chậm trễ
Nông dân không thể tự xây dựng thương hiệu gạo
Bài học từ Campuchia
Ngày 20/11/2014, gạo thơm của Campuchia và Thái Lan đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới năm 2014 trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới lần thứ 6 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia). Việc gạo Campuchia giành được giải thưởng này thực sự là điều đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên hơn nữa, đây là lần thứ ba gạo Campuchia được bình chọn gạo ngon nhất thế giới (lần đầu tiên tại Hội nghị Gạo thế giới ở Indonesia năm 2012; lần thứ hai ở Hong Kong năm 2013). Nếu cách đây khoảng 10 năm, Campuchia không đủ gạo ăn, đến nay, gạo đã giúp người dân Campuchia xóa đói, giảm nghèo. Campuchia đang dần trở thành đối thủ của các nước xuất khẩu gạo lớn, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Võ Tòng Xuân lý giải nguyên nhân gạo Campuchia có chỗ đứng trên thị trường: Campuchia đã làm rất tốt dự án phát triển thương hiệu gạo dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC). ITC đã giúp Campuchia xác định giống lúa có chất lượng cao nhất, giúp doanh nghiệp tổ chức cho nông dân trồng giống lúa đó. ITC cũng giúp xây dựng nhà máy hiện đại để nâng cao chất lượng gạo.
Quay lại với câu chuyện gạo Việt Nam, lý giải nguyên nhân khiến gạo Việt Nam ngày càng gặp khó, theo các chuyên gia, nguyên nhân cốt lõi là do chưa có thương hiệu. Có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo, từ khâu giống chưa bảo đảm đến sản xuất, chế biến, bảo quản, chưa có chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Người dân tự chọn giống, tự sản xuất, doanh nghiệp không đầu tư vùng nguyên liệu, chỉ thu mua lúa từ nhiều nguồn qua thương lái, chế biến rồi xuất khẩu. Chính vì thế, gạo Việt Nam xuất khẩu chỉ ghi chung chung là “gạo trắng” hoặc “gạo thơm”. Vì chưa có thương hiệu chính thống nên công tác xúc tiến thương mại khó thành công.
Xây dựng chuỗi liên kết
Theo ông Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long - có thể xây dựng thương hiệu gạo theo 2 cách: Theo đơn đặt hàng hoặc tự làm.
Làm thương hiệu theo đơn hàng tức là trong quá trình giao thương, doanh nghiệp thấy thị trường nào thích ăn loại gạo nào thì xây dựng thương hiệu bằng cách sản xuất đúng loại gạo theo nhu cầu thị trường. Ví dụ, châu Phi thích gạo đồ thì sẽ chọn giống gạo đồ, giao cho người nông dân sản xuất dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học và doanh nghiệp sao cho sản phẩm cuối cùng đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường.
Cách thứ hai, có thể xây dựng thương hiệu gạo trên cơ sở tiếp thị loại gạo đã sản xuất được. Gạo thương hiệu phải có nhãn mác, mã vạch, tiêu chuẩn, được cấp chứng nhận bảo hộ.
Tuy nhiên, dù xây dựng thương hiệu gạo theo hướng nào thì vai trò của doanh nghiệp cũng lớn nhất. “Không phải nhà nước làm thương hiệu hay nông dân làm thương hiệu mà doanh nghiệp phải là người làm thương hiệu. Bởi chỉ doanh nghiệp mới hiểu rõ nhất nhu cầu của thị trường, từ đó đặt hàng nông dân những giống lúa phù hợp, đầu tư công nghệ, đóng gói bao bì, sao cho sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường”- ông Lê Văn Bảnh khẳng định.
Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết thêm, để xây dựng thành công thương hiệu gạo, việc đàm phán các hợp đồng xuất khẩu gạo phải chú trọng vào việc tăng giá, tạo uy tín, thay vì tăng sản lượng, nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp và nông dân chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ, lựa chọn giống lúa chất lượng cao, tăng tính cạnh tranh.
Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án thương hiệu gạo quốc gia theo hướng xây dựng và phát triển thương hiệu ở cả ba cấp độ:
Quốc gia, vùng và địa phương; các hoạt động xúc tiến thương mại phải làm thường xuyên trong khoảng 3- 5 năm tới. Do vậy, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ xem xét dành nguồn kinh phí tối thiểu 30 tỷ đồng từ năm 2015- 2020 cho các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Bích:
Nguyên nhân cốt lõi khiến gạo Việt Nam “lép vế” là chưa có thương hiệu. Đó cũng chính là lý do khiến gạo Việt Nam liên tục mất thị trường và bị các nhà nhập khẩu ép giá.
Giải bài toán vốn
Đầu tháng 1/2015, HDBank và Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã ký biên bản cam kết cung ứng vốn và bao tiêu nông sản cho các thành phần tham gia sản xuất, kinh doanh lúa gạo theo mô hình cánh đồng lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo cam kết, HDBank sẽ cung ứng vốn cho các hộ nông dân, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo thông qua Vinafood 2. Nông dân tham gia vào chương trình được Vinafood 2 bao tiêu sản phẩm, an tâm đầu ra, bảo đảm có lãi.
Ông Huỳnh Thế Năng- Tổng giám đốc Vinafood 2- chia sẻ, Vinafood 2 sẽ mua thóc thay vì mua gạo, khép kín từ khâu trồng lúa đến khâu xuất khẩu gạo, từ đó xây dựng nhãn hiệu gạo theo 2 cấp độ: Địa phương và Vinafood 2.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo có quy mô nhỏ, thiếu vốn. Khi xây dựng thương hiệu gạo, doanh nghiệp phải bỏ một nguồn vốn lớn cho chi phí giống, thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển… và ít nhất 4- 5 tháng sau mới thu hồi được. Chính phủ có chủ trương, cơ chế ưu đãi về vay vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông dân. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không dễ đồng ý cho vay vốn nếu các dự án không khả thi, nông nghiệp được xếp vào ngành rất khó tiếp cận vốn. Vậy, nên chăng cần sự hỗ trợ mạnh hơn của nhà nước trong vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và ngân hàng mang lại hiệu quả và giá trị cao hơn cho “hạt ngọc” Việt?
Bài viết liên quan:
Phương Lan - Hùng Cường/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: