Nhu cầu thế giới đang giảm dần và "chạm ngưỡng”, đồng thời phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ gạo của nhiều quốc gia khác, đó chính là những thách thức lớn mà hạt gạo Việt đang phải đối mặt.
Kỳ II: Khi thị trường “nổi sóng”
Xuất khẩu gạo ngày càng khó khăn
Thị trường Trung Quốc - dễ mà khó
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 4 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm 15% về lượng và 19% về trị giá. Trung Quốc, Philippines, Cuba… là những thị trường lớn nhất của Việt Nam.
Nhiều năm nay, tuy Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với lượng tiêu thụ lên đến gần 30% tổng lượng gạo xuất khẩu nhưng xuất khẩu sang thị trường này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gần đây nhất, trong tháng 4 vừa qua, gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị ùn hàng chục nghìn tấn tại cửa khẩu Bản Vược (Lào Cai).
Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 30% tổng lượng gạo Việt Nam. Nhưng với những thay đổi liên tục về chính sách, từ đầu năm tới nay, thị trường này lúc dừng, lúc đóng, ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu của DN Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp Việt Nam chuộng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều rủi ro. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu đến 2 triệu tấn gạo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Tin vui là năm 2015, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo, cao hơn 300.000 tấn so với năm 2014. Tuy nhiên, tin buồn là Trung Quốc sẽ siết chặt nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Đây sẽ là khó khăn cho gạo Việt Nam.
Thị trường truyền thống - cạnh tranh gay gắt
Ngoài Trung Quốc, nhiều thị trường khác cũng là bạn hàng lớn của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, xuất khẩu sang các thị trường này không dễ do sự cạnh tranh gay gắt của gạo từ các quốc gia xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan…
Đơn cử như Philippines, Việt Nam trúng thầu hàng loạt hợp đồng với Philippines chủ yếu do bỏ thầu giá rẻ. Còn nhớ năm 2014, tin Việt Nam vượt Thái Lan trúng thầu 800.000 tấn gạo cho Philippines đã trở thành niềm vui và hy vọng rất lớn cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng gần như ngay lập tức sau đó, không có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặn mà với đơn hàng “khủng” này. Nguyên nhân là giá bán quá rẻ (chỉ 436,5 USD/tấn, thấp khá xa so với giá đề nghị của 3 nhà thầu khác từ Pháp, Hồng Kông và Thái Lan), lợi nhuận ít khiến doanh nghiệp không hào hứng xuất hàng. Ví dụ này cho thấy, sự cạnh tranh về giá thực sự không còn là chiêu bài gạo Việt có thể tiếp tục áp dụng lâu dài.
Ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch VFA - cho hay, những thị trường nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam liên tục gặp khó trong thời gian qua bởi gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Campuchia. Đơn cử như từ đầu năm đến nay, Phillipines mới chỉ nhập khẩu khoảng 300 ngàn tấn, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Cuối tháng 5 này, Philippines sẽ tổ chức đấu thầu thêm 500 ngàn tấn nữa, đây là cơ hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, Malaysia cũng đang thương thảo để mua thêm gạo từ Việt Nam.
Tuy nhiên, phải khẳng định rằng muốn thắng trong những vụ thầu này không phải là chuyện dễ dàng vì nguồn cung gạo trên thế giới đang rất dồi dào. “Muốn có thêm hợp đồng, yếu tố quan trọng nhất là ta vẫn phải cạnh tranh về giá. Tính chuyên nghiệp về cung ứng cũng phải được nâng cao hơn để giữ được thị trường”- ông Huỳnh Thế Năng nhấn mạnh.
Ông Phan Xuân Quế - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1):
Nhiều nước nhập khẩu gạo lớn sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, 2009 cũng tập trung gia tăng sản xuất trong nước để bảo đảm an ninh lương thực, tránh phụ thuộc vào các nước xuất khẩu, dẫn đến cung- cầu của thị trường hiện nay do người mua quyết định.
Thị trường mới - nhiều rủi ro
Châu Phi là thị trường lớn cho gạo Việt, tuy nhiên, xuất khẩu gạo sang châu Phi có thực sự dễ? Câu trả lời là không.
Sau khi gạo Việt xuất khẩu sang châu Phi gia tăng mạnh mẽ trong năm 2013 (gần 2 triệu tấn) thì ngay lập tức đã giảm trên 60% vào năm 2014 bởi sự cạnh tranh mạnh của gạo Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ. Gạo Pakistan hiện chào bán tại châu Phi với giá rất thấp, chênh với gạo Việt Nam khoảng 20- 30 USD/tấn. Gạo Việt Nam lại là gạo mới, trong khi thị trường châu Phi thích gạo cũ hơn (gạo không dẻo, rời và rẻ)...
Theo Vụ thị trường Châu Phi - Tây Nam Á (Bộ Công Thương), mặc dù kim ngạch xuất khẩu gạo sang châu Phi có tăng lại trong những tháng đầu năm 2015 nhưng khả năng đạt con số ấn tượng như những năm đỉnh cao (2012, 2013) cho cả năm nay không cao. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Phi cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi khoảng cách địa lý quá xa cộng với cách thanh toán chủ yếu qua trung gian. Để có sự hiểu biết sâu sắc về tập quán, văn hóa, phương thức kinh doanh của một quốc gia cần một thời gian dài. Và chính sự thiếu hiểu biết về thông tin thị trường đã làm nảy sinh một loạt những sự cố về lừa đảo với các đối tác châu Phi. Đã có một thời gian, Thương vụ Việt Nam phải “đăng đàn” cảnh báo khi có hàng loạt vụ lừa đảo của doanh nghiệp châu Phi khi làm ăn với phía Việt Nam.
Kỳ III: Sản xuất lúa gạo: Còn nhiều bất cập
Bài viết liên quan:
Phương Lan - Hùng Cường/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: