Do nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn, đến ngày 19.3, lượng gạo thu mua được mới đạt trên 30% so với chỉ tiêu 1 triệu tấn.
Ảnh minh họa
Cho đến nay, Công ty lương thực Tiền Giang đã thu mua được 93% lượng quy gạo theo chỉ tiêu mua 24.000 tấn quy gạo. Dù có kinh nghiệm gần 20 năm thu mua tạm trữ, song ông Phan Anh Dũng Quốc Huân - Phó Giám đốc Công ty - vẫn than thở: “Sợ nhất là tiền. Không có tiền, không thể nói chuyện với nông dân được”. Tuy nhiên, cũng theo ông Huân, tiền không đáng sợ bằng… “cò” lúa. Ông nêu thực tế: “Ngay trên diện tích cánh đồng lớn, doanh nghiệp đã đầu tư trên 1 tỉ đồng vẫn gặp “cò” lúa. “Cò” vào mua với giá 4.400 đồng/kg, trong khi chúng tôi mua 4.320 đồng. “Cò” lúa chỉ mua vài chục tấn với giá như vậy rồi nói với nông dân là doanh nghiệp mua lúa rẻ hơn. Chúng tôi phối hợp với UBND, Công an xã mời “cò” lúa lại và sẵn sàng nhường hết 100ha cho “cò” mua đúng với giá 4.400 đồng/kg. Đến lúc này “cò” lúa mới chịu bỏ đi”.
Điều đáng nói, tại buổi giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo diễn ra vào ngày 18.3 tại Tiền Giang, các doanh nghiệp đều cho rằng tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng rất khó khăn. Quá nhiều quy định để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay cho chương trình mua tạm trữ. Ngoài việc có năng lực, kho chứa, thị trường còn một quy định bắt buộc là không được lỗ từ các năm trước. Một doanh nghiệp than: “Làm ăn trong thời buổi này mà không được phép lỗ là điều rất khó. Năm nào cũng lời hết, chắc chẳng doanh nghiệp nào phá sản”. Chưa kể, theo Quyết định 241 của Thủ tướng về mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông-xuân 2014 - 2015 tại ĐBSCL, thời gian mua tạm trữ từ ngày 1.3 đến hết ngày 15.4. Tuy nhiên tại Tiền Giang, phải đến ngày 12.3 UBND tỉnh mới nhận được văn bản của Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu mua 80.000 tấn quy gạo cho tỉnh.
Trong lúc đó, theo Chi cục Bảo vệ thực vật Tiền Giang, nông dân đã thu hoạch rộ từ trước đó 10 ngày. Lượng lúa hàng hóa trong dân rất nhiều, nông dân nhiều nơi bị thương lái hạ giá xuống thấp. Trong khi đó tại nhiều tỉnh như Sóc Trăng và Bạc Liêu, vụ đông-xuân đã kết thúc từ... đầu tháng 3. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất nên giao cho địa phương chọn thời gian mua tạm trữ theo thời vụ sẽ phù hợp hơn. Tránh trường hợp địa phương không còn lúa vẫn giao để doanh nghiệp từ tỉnh này sang tỉnh khác thu mua như hiện nay.
Nhật Hồ/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: