Dự án hợp tác trồng rau theo mô hình “làng thần kỳ” Nhật Bản sau 1 năm hoạt động đang mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng.
Thu hoạch xà lách khi mặt trời chưa mọc ở “làng thần kỳ” Đạ Nghịt - Ảnh: Lâm Viên
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đây là mô hình hợp tác sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên giữa Nhật Bản và Lâm Đồng, bước đầu đã phát huy được hiệu quả. “Hy vọng từ mô hình này có thể phát triển thêm nhiều mô hình tương tự, từ sản xuất, chế biến sau thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm nông sản”, ông Việt nói.
Làng Kawakami, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano Nhật Bản, vốn là vùng đất cằn cỗi, nhưng nhờ trồng rau xà lách mà trở nên giàu có và nổi tiếng khắp nước Nhật, được người Nhật gọi là “làng thần kỳ”. Tháng 11.2013, qua kết nối của Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam, hai nông dân Nhật là Masahito (34 tuổi) và Takaya Hanaoka (35 tuổi) thuộc Công ty Lacue “làng thần kỳ” Nhật Bản tới Đà Lạt tìm hiểu khí hậu, thổ nhưỡng, tìm đất để tổ chức sản xuất rau sạch theo kiểu Nhật. Sau đó, họ tìm được đối tác là Công ty An Phú Đà Lạt, thành lập liên doanh Công ty An Phu Lacue để trồng xà lách tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, H.Lạc Dương (Lâm Đồng). Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Công ty An Phú Đà Lạt, cho biết: “Liên doanh này kéo dài trong 20 năm, An Phú Đà Lạt góp 25% vốn và đất canh tác, phía Nhật góp 75% vốn và công nghệ”.
Từ tháng 2.2014, An Phú Lacue gieo trồng thử nghiệm 13 loại giống rau để chọn 4-5 giống phù hợp nhất canh tác lâu dài, trong đó có 0,5 ha xà lách Mỹ đầu tiên được trồng. Trước khi trồng, đất được xử lý kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và bổ sung dinh dưỡng hữu cơ; còn công nghệ canh tác dựa theo mô hình của “làng thần kỳ”. Những chuyên gia nông dân Nhật Bản lập trình hẳn một phần mềm để quản lý đồng ruộng cho trang trại An Phu Lacue. Loại giống rau nào, trồng trên lô đất nào, có bao nhiêu luống, bao nhiêu cây, lượng phân cho từng loại bón vào thời kỳ nào được chi tiết hóa…
Sau 70 ngày gieo trồng, vụ xà lách Mỹ đầu tiên cho thu hoạch. Anh Takaya Hanaoka cho biết rau được thu hoạch khi mặt trời chưa mọc để bảo đảm độ tươi ngon trong quá trình bảo quản và phân phối đến người tiêu dùng. Xà lách từ trang trại được vận chuyển bằng xe lạnh chuyên dùng về điểm sơ chế, đóng bao, làm lạnh bằng phương pháp hút chân không và đưa vào kho lạnh bảo quản ở nhiệt độ thấp cho tới khi phân phối đến người tiêu dùng.
Hiện nay, xà lách của “làng thần kỳ Đạ Nghịt” được tiêu thụ tại các siêu thị ở TP.HCM và các nhà hàng phục vụ khách nước ngoài ở nhiều tỉnh thành trong nước, cung cấp cho siêu thị Nhật Bản ở Phnom Penh (Campuchia). Ông Nguyễn Văn Thành cho biết giá rau xuất xưởng từ 32.000 - 35.000 đồng/búp, hoặc 40.000 đồng/kg, hiện cung không đủ cầu.
Xà lách trồng tại Đạ Nghịt nhưng vật tư, phân bón đều được đưa từ Nhật Bản qua, giống rau nhập từ Mỹ, nên chất lượng rau tương đương trồng tại làng Kawakami. Hiện An Phu Lacue đang nâng dần diện tích canh tác từ 4 ha ban đầu lên 8 ha, trồng các loại xà lách, rô men, lơ xanh… giống nhập từ Nhật, Mỹ.
Ông Hironori Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty An Phu Lacue, cho biết đây là dự án chuyển giao công nghệ để hiện đại hóa nông nghiệp cho nông dân Đà Lạt (Lâm Đồng), trước mắt phía Nhật Bản mang công nghệ, đưa chuyên gia sang hướng dẫn trực tiếp, trong tương lai sẽ đưa một số nông dân trẻ Việt Nam qua “làng thần kỳ” học tập và thực hành trực tiếp. Còn theo ông Thành, cuối tháng 3.2015, nếu việc ký kết xuất khẩu xà lách với phía Đài Loan thành công thì mỗi tuần An Phu Lacue phải cung ứng từ 30 - 40 tấn xà lách. “Để có đủ lượng hàng, An Phu Lacue sẽ liên kết với các hộ nông dân để chuyển giao kỹ thuật canh tác và tăng diện tích lên trên 20 ha”, ông Thành nói.
Bài viết liên quan:
Lâm Viên/ Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào: