Nếu bình chọn một mô hình khép kín hoàn chỉnh nhất từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tại Việt Nam thì có lẽ nông trại cà phê Ea Tul của Trung Nguyên là một điển hình phải kể đến đầu tiên.
Hệ thống tưới trực tiếp đến từng gốc cây cà phê - Ảnh: Trung Nguyên cung cấp
Ứng dụng kỹ thuật Israel
Xã Ea Tul, H.Cư Mgar, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 5.600 ha với 2.038 hộ sống ở 12 thôn, buôn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 98% với nghề chính là trồng cà phê, cao su, điều, hồ tiêu. Năm 2014, xã đã có 80 hộ thoát nghèo, số hộ nghèo giảm chỉ còn 6,1%. Thành quả này có sự đóng góp đáng kể của Công ty cà phê Trung Nguyên với dự án “Mô hình nông thôn mới kiểu mẫu” tại Ea Tul. Đây là một trong những hoạt động chiến lược của Công ty Trung Nguyên nhằm nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm cà phê đặc biệt.
Năm 2012, Trung Nguyên bắt đầu hỗ trợ 100% chi phí để triển khai chuyển giao công nghệ kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt hiện đại của Israel cùng công nghệ phân bón Yara cho nhiều hộ nông dân trong vùng. Hệ thống này phân phối nước trực tiếp đến từng cây cà phê và kết hợp bón phân qua hệ thống tưới bằng các van điều khiển tự động, lọc nhiều tầng giúp tiết kiệm được 60% lượng nước. Với kỹ thuật này, cà phê vẫn phát triển tốt trong mùa khô. Kết quả, niên vụ vừa qua chi phí đầu tư mỗi héc ta cà phê giảm từ 4 - 5 triệu đồng, trong khi chất lượng vườn cây, năng suất, sản lượng và sản phẩm cà phê nhân đều đạt mức cao. Trung Nguyên cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cà phê nhân với giá thu mua cao hơn 400 đồng/kg so với giá thị trường.
Từ sự liên kết này, thu nhập của người dân nhờ vậy cũng được tăng lên đáng kể. Nếu năm 2011 thu nhập bình quân ở xã Ea Tul chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã đạt 24,5 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ dân có mức kinh tế khá giả với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như gia đình ông Y Wưl Ayun ở buôn Sah A, sản xuất 7 ha cà phê, 20 ha cao su, tổng thu nhập hơn 3 tỉ đồng/năm và tạo việc làm cho 28 lao động; hay như hộ Y Đhjai Ktla ở buôn Sah B và hộ Ama Len ở buôn Yao, mỗi năm thu nhập 300 - 400 triệu đồng từ trang trại cà phê... Với việc áp dụng công nghệ cao một cách đồng bộ và hiệu quả, vùng trồng cà phê hiện đại Ea Tul đã được một số công ty du lịch đưa vào danh sách những điểm tham quan ấn tượng dành cho du khách.
Nâng giá trị hạt cà phê
Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất cà phê trong nước khốn đốn và chỉ có thể gia công, thu mua nguyên liệu bán lại cho nước ngoài thì nỗ lực đầu tư của Trung Nguyên được xem là sự chống chọi khá kiên cường trước xu thế lấn lướt của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Tính chung từ năm 2010 đến nay, Trung Nguyên đã xây dựng thành công vùng nguyên liệu bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ cho 2.081 ha cà phê và 1.485 hộ nông dân; kết hợp xây thành công 6 mô hình tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và mô hình phân bón Yara mang lại năng suất và chất lượng cao cho cà phê Việt Nam, đưa năng lực sản xuất hằng năm là 14.000 tấn nguyên liệu được sử dụng trực tiếp để chế biến 20 loại mặt hàng cung ứng cho toàn cầu, giúp tăng năng suất cà phê trên 30% so với trước đây; chuyển giao thành công công nghệ như làm phân vi sinh từ vỏ cà phê, mô hình trồng xen thảo dược.
Nhờ chủ động được vùng nguyên liệu và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, thị trường tiêu thụ của cà phê Trung Nguyên không ngừng được mở rộng. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên được xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên toàn cầu, tiêu biểu như tại Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản... Thương hiệu cà phê Trung Nguyên là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam được chuyển nhượng ra nước ngoài. Trung Nguyên đã chuyển nhượng thương hiệu tại một số nước như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan...
Bài viết liên quan:
Quang Thuần/ Báo Thanh Niên
Không có nhận xét nào: