Tại miền Trung, hạn hán đang diễn ra gay gắt, khiến nhiều diện tích lúa bị chết khô vì thiếu nước. Phóng viên NTNN đã ghi nhanh diễn biến của đợt hạn hán này…
Lúa chết để cho bò ăn
Anh Y Bom - cán bộ nông nghiệp xã Ea Bia (Sông Hinh, Phú Yên) đưa chúng tôi đến khu vực 2 sào lúa chết cháy của nhà Mí Cheo. “Lúa đang làm đòng mà chết đứng, ai không tiếc! Nhưng đành thả cho bò ăn thôi…” - Mí Cheo than thở. Bản thân nhà Y Bom làm 2 sào nước nhưng phải 4 lần bơm nước cứu lúa, chi phí hết 1 triệu đồng. Trong lúc chỉ thu hoạch chỉ được 6,5 tạ lúa. “Theo bà con buôn Hai Krông (Ea Bia), mọi năm thường có mưa dông trong tháng Giêng nhưng 2 năm nay tịnh không giọt nào. Hiện bà con chỉ kéo ống bơm nước cứu lúa đối với ruộng cách nguồn nước 500m trở lại. “Chứ chi phí 1km đường ống lúc này trên 20 triệu đồng. Máy nổ nhỏ cũng không thể hút nước quá xa. Nhiều người đành bỏ lúa chết”- Mí Cheo nói.
Ruộng lúa nhà Mí Cheo (xã Ea Bia, Sông Hinh, Phú Yên) bị chết khô giữa lúc làm đòng. Ảnh: Hùng Phiên
Theo ông Nguyễn Khắc Sự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Sông Hinh, trên 170ha lúa nước của huyện đang bị khô hạn gay gắt, trong đó nhiều diện tích không thể cứu. Đây là những ruộng lúa nước nằm ngoài khu vực cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi. Bà con tận dụng các khe suối hoặc đào ao hồ để lấy nước tưới; thế nên khi gặp nắng hạn kéo dài thì thường “bó tay”.
“Chúng tôi đã làm tờ trình về chính sách hỗ trợ một phần tiền dầu cho người dân bơm nước cứu lúa. Tuy nhiên hiện vẫn chưa thấy triển khai. Mới đầu mùa khô mà thế này thì chắc chắn vụ hè thu tới sẽ còn thiếu nước tưới gay gắt hơn”- ông Sự nói.
Đồng khô, người khát
Tại Khánh Hòa, dù mới đầu mùa khô mà các hồ chứa nước trong toàn tỉnh đã cạn kiệt, đặc biệt là các hồ chứa ở TP.Cam Ranh đang xuống rất thấp, hiện chỉ còn 1,1 triệu m3 đạt khoảng 5% so với dung tích thiết kế.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa, đến nay nắng hạn kéo dài đã làm cho 2.445ha/19.702ha lúa đông xuân bị khô hạn, trong đó có 517ha đã phải ngừng sản xuất do thiếu nước. Thị xã Ninh Hòa là nơi có diện tích lúa chịu ảnh hưởng do khô hạn lớn nhất với 731ha, phải bơm tưới chống hạn 276ha. Ở 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn do không có nhiều công trình thủy lợi, mực nước từ sông suối giảm mạnh nên chỉ có 272ha lúa ở Khánh Vĩnh được bơm tưới chống hạn; phải ngừng sản xuất 103ha. Đã có 159ha lúa đông xuân của huyện Diên Khánh phải bơm chống hạn chờ mưa, hàng chục ha lúa khác phải ngừng sản xuất vì không có nguồn nước bổ sung.
Khô hạn kéo dài đã gây nên tình trạng thiếu nước sạch nghiêm trọng ở một số địa phương, nguồn nước giếng cạn kiệt buộc người dân ở xã Diên Đồng (Diên Khánh), Phước Thượng, Phước Sơn (Phước Đồng, Nha Trang)… phải đi mua từng thùng nước về dùng.
Ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, hiện các địa phương và công ty khai thác các công trình thủy lợi đang tiếp tục bơm chống hạn cho 7.500ha. Các công ty này sẽ lắp đặt những trạm bơm dã chiến tại vị trí các cống lấy nước để bơm nước từ dung tích chết ở các hồ chứa, các vị trí dọc theo sông, suối; tận dụng các bàu, ao ở gần; tiến hành sửa chữa các đập bồi hiện có và đắp đập tạm để giữ nước... Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT đề nghị hỗ trợ kinh phí chống hạn ban đầu 25 tỷ đồng.
Đức Tuấn - Mai Khuê (Dân Việt)
Không có nhận xét nào: