Ở ĐBSCL, lúa thu hoạch chất đầy nhà, lúa chưa thu hoạch chín vàng rục trên đồng, còn nông dân đỏ mắt trông chờ thương lái.
Được mùa mất giá”, điệp khúc quen thuộc ấy lại tiếp tục đeo đẳng nông dân ĐBSCL trong vụ lúa đông xuân này. Cách nay hơn nửa tháng, khi có chủ trương thu mua tạm trữ của Chính phủ, nông dân nơi đây khấp khởi vui mừng khi thấy giá lúa nhích lên nhưng chỉ được vài ngày, sau đó giá lúa chững lại và có chiều sụt giảm.
Những ngày này xuôi về vùng ĐBSCL thấy lúa thu hoạch chất đầy nhà, lúa chưa thu hoạch chín vàng rục trên đồng, còn nông dân đỏ mắt trông chờ thương lái. Về các huyện Vị Thủy, Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang cứ ngỡ sẽ bắt gặp cảnh cân đong, mua bán lúa tấp nập, nhộn nhịp giữa thương lái và nông dân nhưng thay vào đó chỉ thấy không khí đìu hiu, quạnh quẽ và nỗi buồn đọng trong mắt người trồng lúa.
Qua vài con rạch mới thấy được một, hai ghe thương lái chở lúa vừa mua, còn phần lớn thương lái hiện vẫn sử dụng xe gắn máy men theo các con rạch vào xem đồng, cò kè trả giá.
Ông Trần Thanh Hùng, một thương lái ở huyện Cờ Đỏ, Thành phố Cần Thơ xuống Hậu Giang mua lúa cho biết: “Chúng tôi mua lúa tươi ngoài đồng của bà con nông dân với giá từ 4.300 đến hơn 5.000 đồng/kg”.
Giá lúa sụt giảm, ít thương lái tìm mua nên lúa thu hoạch xong được người dân đem vào chất chất đầy nhà, còn lúa chưa thu hoạch thì chín vàng đồng. Trời tháng 3 nắng như đổ lửa nhưng trong lòng người trồng lúa nơi đây có lẽ còn nóng hơn nắng tháng 3 bởi nỗi lo không bán được lúa để trang trải các chi phí và đầu tư cho vụ mùa kế tiếp. Bởi vậy, nông dân nào bán được lúa có lời chút ít là khấp khởi vui mừng như trường hợp ông Lê Văn Thấy ở xã Long Phú huyện Long Mỹ vừa thu hoạch một ha lúa Đông xuân giống IR 50404 bán cho thương lái.
Bà Huỳnh Thị Hường bên những bao lúa lúa chất đầy nhà do thương lái bỏ cọc không mua
Ông Lê Văn Thấy là người may mắn khi được thương lái giữ chữ tín và vào thu mua đúng hẹn. Bởi lẽ theo phản ánh của bà con tại nhiều địa phương thì ở vụ lúa này có rất nhiều trường hợp thương lái vào đặt cọc một cánh đồng từ 2,5 - 3 triệu đồng nhưng sau đó khi giá lúa sụt giảm bỏ cọc không thèm vào thu mua, thậm chí có nhiều thương lái cứ lần lữa hẹn tới, hẹn lui để cho lúa chín rục, hạt lúa tươi trở thành khô mới vào mua, khiến cho nông dân chịu thiệt do lúa quá chín rơi rụng, hạt lúa khô mất kí.
Bà Huỳnh Thị Hường, ở xã Tân Phú, huyện Long Mỹ cho biết, gia đình bà có gần 3 ha lúa Đông Xuân gieo sạ trong 2 đợt. Đợt đầu có gần 1 ha được thương lái đến đặt cọc 2,5 triệu đồng với giá 4.600 đồng/kg nhưng sau đó bỏ cọc không mua nên gia đình bà phải thu hoạch về chất trong nhà. Còn ở đợt 2 này gần 1,8 ha được thương lái đặt cọc 2 triệu đồng nhưng họ cứ hẹn mãi đến giờ đã quá thời gian thu hoạch hơn 10 ngày nhưng vẫn chưa xuất hiện thu mua.
Từ thực tế cho thấy, mặc dù chủ trương thu mua tạm trữ đã triển khai thực hiện hơn nửa tháng nhưng giá lúa và việc tiêu thụ lúa trong dân vẫn chưa có tín hiệu vui.
Theo ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, ngoài những bất cập dẫn đến việc chậm trễ triển khai thu mua lúa của các doanh nghiệp, do thời điểm này các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa đông xuân nên lượng lúa hàng hóa trong dân quá lớn so với hạn mức phân bổ mua tạm trữ.
Cụ thể như tỉnh Hậu Giang nếu mua tạm trữ đủ 15.000 tấn gạo, tương đương 30.000 tấn lúa như phân bổ mới giải quyết được khoảng 6% lượng lúa hàng hóa trong dân. Chính yếu tố cung vượt cầu ở thời điểm hiện nay đã làm cho giá lúa thấp, lúa hàng hóa trong dân bị ế ẩm khó tiêu thụ. Vì vậy, ngoài chủ trương thu mua tạm trữ đã thực hiện trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành hữu quan cần có những giải pháp khả thi hơn để người trồng lúa thực sự hưởng lợi./.
Tấn Phong/VOV - ĐBSCL
Không có nhận xét nào: