Trước đây, hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) luôn cho rằng sở dĩ đường nhập lậu từ Thái Lan về Việt Nam có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước là do chính sách bảo hộ của Chính phủ Thái Lan.
VSSA khẳng định sản xuất đường ở Thái Lan được chính phủ giám sát kỹ càng theo chỉ tiêu hạn ngạch quota A, quota B và quota C.
Trong đó, loại đường quota A được nhà nước Thái bảo hộ, dùng để tiêu thụ nội địa với giá cao. Loại quota B được cấp phép cho xuất chính ngạch. Còn quota C là loại doanh nghiệp Thái sản xuất thêm ra dư thừa nên doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm tiêu thụ, và do họ đã có lãi từ chính sách bảo hộ nên loại đường này họ bán lậu theo đường tiểu ngạch qua các nước với giá rất rẻ.
Do đó, mặc dù đường Thái có giá thành sản xuất thấp, nhưng do chính sách bảo hộ nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất đường có lợi nhuận, nên người dân Thái và các doanh nghiệp sử dụng đường chế biến thực phẩm phải mua với mức giá cao hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực.
Giá đường trong siêu thị Big C ở thủ đô Bangkok thấp hơn 2.000 đồng/kg so với giá bán lẻ trong siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Bảy
Một thành viên trong VSSA từng dẫn chứng ngay cả những doanh nghiệp đa quốc gia như Coca-Cola, Pepsico đầu tư ở Thái Lan cũng đang phải mua sỉ đường cao hơn so với Coca-Cola hay Pepsico đầu tư tại Việt Nam.
Những lý lẽ trên của VSSA là nhằm biện minh cho việc người tiêu dùng Việt Nam phải mua đường với giá cao là bình thường. Lý lẽ này chỉ nhằm bảo vệ chính sách bảo hộ ngành đường mà các thành viên VSSA là đối tượng hưởng lợi.
Thực tế, trong chuyến đi Thái Lan, phóng viên đã khảo sát giá đường bán lẻ tại hệ thống siêu thị Big C, Tesco, Sevan Elevan ở thủ đô Bangkok và thấy giá đều rẻ hơn ở Việt Nam trên dưới 2.000 đồng/kg. Chẳng hạn, tại siêu thị Big C, Tesco, giá đường kính trắng trên kệ được niêm yết dao động từ 22,5 – 23,5 baht/kg (tương đương 15.700 – 16.500 đồng/kg).
Giám đốc một công ty chế biến thực phẩm tại Thái Lan cũng khẳng định giá bán sỉ đường nội địa tại Thái Lan khá thấp, ở mức 12.000 – 13.000 đồng/kg. Mức giá này cũng bằng với giá bán ra của các nhà máy đường tại Việt Nam, chứ không hề cao hơn như một thành viên VSSA nói ở trên.
Từ thực tế trên cho thấy những thông tin về giá đường ở Thái Lan mà VSSA công bố là chưa chính xác. Sản phẩm của họ rẻ cái chính là do giá thành thấp, chứ không phải do chính sách. Giá thành chính là điều các thành viên VSSA nên tập trung giải quyết, chứ không nên chỉ bấu víu vào chính sách bảo hộ.
Theo Minh Khoa (Thế giới Tiếp thị/ Báo NLĐ)
Không có nhận xét nào: