Trước những tranh cãi gay gắt về câu chuyện năng suất và hiệu quả của ngành mía đường, mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có văn bản chính thức gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “kêu cứu”.
Những tranh cãi gay gắt về câu chuyện mía đường bắt đầu từ bài viết của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, khi chỉ ra những hạn chế và yếu kém của ngành.
VSSA đáp trả Bộ Công Thương
Ông Tú cho rằng, ngành mía đường còn thụ động, dựa vào bảo hộ và không tích cực chuẩn bị cho hội nhập. Dẫn chứng cụ thể, vị Thứ trưởng còn đưa ra nhiều thông tin để minh chứng các DN mía đường nội địa đang “tự thua” khi không có khả năng tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, không thiết lập được vùng nguyên liệu và áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất… Đặt trong mối tương quan so sánh với Hoàng Anh Gia Lai khi sản xuất đường tại Lào, ông Tú cho rằng các DN trong nước cần phải “học” DN này để xem đó như một áp lực để tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập nhằm mở rộng quy mô đầu tư, tăng hiệu quả.
VSSA cho rằng khâu nguyên liệu là một trong những lý do khiến ngành mía đường yếu kém
So sánh này đụng đến “lòng tự trọng” của DN mía đường nội địa khi trước đó, Bộ Công Thương có văn bản gửi Chính phủ đề xuất cho nhập khẩu 50.000 tấn đường của Hoàng Anh Gia Lai với thuế suất 0%. Ngay lập tức, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị tạm thời chưa cho nhập khẩu đường từ Lào, với lý do việc nhập khẩu này sẽ làm cho ngành đường thêm “rối rắm và phức tạp”. Giãi bày thêm, trong văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Hiệp hội gửi ngày 13/3, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội cho rằng VSSA không phản đối việc nhập đường, mà “chỉ yêu cầu nhập như thế nào để không bị làm trái với các quy định hiện hành để lợi dụng của nhóm lợi ích”. Theo đó, việc nhập khẩu 50.000 tấn đường cần theo nguyên tắc là về chủng loại nhập (100% đường thô để về nước luyện lại); theo hạn ngạch; tổ chức đấu thầu nhập khẩu; nhập sau thời gian ép vụ mía đường trong nước để tránh gây dư thừa; không miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu mà phải phải theo cam kết…
Biện luận tại sao giá đường trong nước cao hơn giá đường nhập khẩu? VSSA cho rằng do có một số lượng lớn đường nhập lậu được đưa vào Việt Nam khiến cho chênh lệch giá. Dẫn chứng cụ thể, giá đường bán lẻ tại Thái Lan dao động khoảng 17.000 – 21.000 đồng/kg tương đương với giá đường bán lẻ ở Việt Nam. Giá đường trắng bán buôn tại các nhà máy đường Việt Nam hiện tại tùy loại trên dưới 12.000 đồng/kg chưa có VAT. Đường thô Thái Lan nhập khẩu về đến cảng Sài Gòn khoảng 9.000 đồng/kg, đường thô trong nước bán tại nhà máy sản xuất giá 10.500 đồng/kg… Do đó, VSSA cho rằng giá đường bán lẻ ở hai nước xấp xỉ nhau, đồng thời “quy” nguyên nhân khiến giá đường chênh lệch là do “trách nhiệm của ngành công thương”, bởi các nhà máy đường không thể tạo hệ thống bán lẻ hết sản lượng sản xuất, mà phải qua mạng lưới tiêu thụ chung.
VSSA đòi công bằng
Lý giải vì sao giá thành đường Việt Nam cao hơn các nước, VSSA cũng cho rằng có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là ở khâu nguyên liệu. So sánh thực tế, ở Thái Lan giá mía đưa vào chế biến chỉ 30 – 35 USD/tấn, tiền mía trong giá thành chế biến đường chỉ ở mức 6.000 – 7.000 đồng/kg đường, trong khi ở Việt Nam tiền mía chiếm 8.000 – 10.000 đồng/kg đường, chênh lệch 2.000 – 4.000 đồng/kg đường. Do đó, VSSA cho rằng chênh lệch này thuộc yếu tố nông nghiệp mà nông dân và nhà máy đường không thể một sớm một chiều tự khắc phục. Còn so sánh với Hoàng Anh Gia Lai, VSSA cho rằng do DN này tự sản xuất mía đưa vào chế biến, cộng thêm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, vùng nguyên liệu và nhà máy được hỗ trợ từ Lào, nên có chi phí thấp hơn.
Trong khi đó, hiện cả nước có 41 nhà máy đường với tổng công suất 52.000 tấn mía/ngày, nay đã nâng lên đến 130.000 - 140.000 tấn mía/ngày, với số vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Trong đó nhiều nhà máy có khả năng sản xuất đến 50% sản lượng là đường luyện, một số đã đạt trình độ tiên tiến không thua kém các nhà máy đường ở các nước như nhà máy đường Khánh Hòa, Lam Sơn, Nghệ An, KCP, Bourbon Tây Ninh… Do đó, trình độ công nghệ của các nhà máy đường Việt Nam hiện nay không còn chênh lệch đáng kể so với các nước có nền công nghiệp mía đường mạnh như trong khu vực, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đường RE đạt yêu cầu chất lượng cao đối với khách hàng khó tính như Cocacola…
VSSA cũng cho rằng, việc so sánh các hiệp hội khác không “kêu ca” mà chỉ có hiệp hội mía đường suốt ngày kêu ca, là so sánh “khập khiễng”, bởi ngành mía đường có những bất cập riêng. Bao gồm, chi phí đầu tư rất cao, tính mùa vụ rất khắc nghiệt, vốn để hoạt động sản xuất rất lớn, mối quan hệ nhà máy và người trồng mía yêu cầu chặt chẽ cao, công nghệ chế biến cũng phức tạp hơn… nên đòi hỏi sự nghiêm ngặt của chuỗi giá trị. Do đó, nếu muốn tồn tại và phát triển, cần phải học tập lẫn nhau. Dẫn chứng, ngay cả Hoàng Anh Gia Lai cũng lấy kinh nghiệm Việt Nam sang mở nhà máy đường tại Lào. Đồng thời VSSA cho rằng DN này không đầu tư tại Việt Nam mà chọn Lào vì nước này có những chính sách ưu đãi giúp cho DN có giá đường cạnh tranh.
“Hiệp hội Mía đường Việt Nam yêu cầu Nhà nước mà đặc biệt là Bộ Công Thương đừng ban hành chính sách xuất nhập khẩu đường bất cập, không đạo lý, chỉ phục vụ cho lợi ích nhóm để bóp chết sản xuất trong nước nhất là sản xuất nông nghiệp, phải có chính sách để làm sao giữ giá đường ở mức hợp lý mà ở đó người trồng mía sống được và nhà máy đường không kiệt quệ, ngành Mía đường không phá sản và người Việt Nam tiêu dùng đường không bị móc túi phải mua đường với giá cao hơn người tiêu dùng của Thái Lan là nước xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới. Để xảy ra phá sản ngành không phải do hội nhập mà do chính sách Nhà nước không mang tính công bằng, không cạnh tranh với các chính sách mía đường của Thái Lan đủ để giúp ngành phát triển, hoặc chính sách không được thực thi nghiêm túc do bị lợi dụng danh nghĩa bảo vệ người tiêu dùng”, VSSA đề xuất.
Cẩm An/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: