Gần đây, tôi có chuyến công tác sang Đan Mạch và tới thăm một gia đình nông dân tại đây, khi giới thiệu xong ông chủ nhà liền nói: “Gia đình tôi rất vinh dự vì có chàng rể là nông dân”.
Đến nay nông dân Việt Nam vẫn tụt hậu xa so với nông dân thế giới
Ở Việt Nam, "Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Dân có ruộng dập dìu hợp tác/ Lúa mượt đồng ấm áp làng quê”. Thế nhưng, hôm nay, hình ảnh đẹp này trên mỗi đồng quê lại đã và đang mất dần khi người “dân sợ ruộng xa rời hợp tác”, bỏ ruộng đi làm thuê vì thu nhập từ đồng ruộng quá ít ỏi.
Nóng “ly nông - ly hương”
Người đứng đầu Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN- PTNT, anh Tăng Minh Lộc trong một lần tâm sự với tôi, ước lượng, tối thiểu trong cả nước sẽ có 6.300 ha đất người dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Vì thế, đây là vấn đề “nóng” không kém gì việc suy thoái kinh tế dẫn đến hàng loạt DN giải thể hoặc ngừng hoạt động hay chuyện thị trường bất động sản “đóng băng”…
Bỏ ruộng đi làm thuê vì thu nhập quá ít ỏi từ đồng ruộng, đang là nỗi đau rất lớn, khoét sâu vào ngành nông nghiệp nước nhà. Điều đó cũng dễ hiểu khi nhìn bao quát lại toàn chuỗi giá trị nông sản, từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ, nông dân - là một mắt xích quan trọng nhất, nhưng, họ lại chính là đối tượng phải đứng ngoài thị trường khi không được tham gia vào quyền định giá. Họ đang bị tước đi hai quyền quan trọng nhất: Đó là quyền được trả giá khi mua vật tư nông nghiệp và quyền được định giá khi bán sản phẩm của mình.
Thực tế, hiện nay, người nông dân đang có thu nhập thấp nhất so với hầu hết các ngành nghề khác, khi 1ha gieo trồng ở nước ta chỉ đạt 3.100 USD, tương đương khoảng hơn 60 triệu đồng. Trong khi đó, các nước khác như Đài Loan là 12.000 USD/ha hay Hà Lan là khoảng 40.000 USD/ha.
Lấy lại vị thế nông nghiệp
Tôi thường nói rằng, cái lỗi khiến nông dân Việt Nam mãi nghèo là chúng ta chưa thật sự “nghĩ” về họ một lần đúng nghĩa như các nước Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan, Mỹ, Úc… và gần chúng ta nhất là Singapore. Do vậy, đến nay nông dân Việt Nam vẫn tụt hậu xa so với nông dân thế giới.
Gần đây, tôi có chuyến công tác sang Đan Mạch và tới thăm một gia đình nông dân. Tại đây, khi giới thiệu xong ông chủ nhà liền nói: “Gia đình tôi rất vinh dự vì có thằng rể là nông dân. Tôi già rồi, nhà tôi chỉ mỗi tôi có bằng cấp về nông nghiệp nên nhà nước cho nhận đất, nếu không có ai kế tục thì đất này giao lại nhà nước”. Nghe xong tôi “tá hỏa” liền, quả là cú sốc về văn hóa! Đó là điều khác biệt cơ bản với nước ta, kiểu cha truyền con nối, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lão nông tri điền; quan niệm lâu nay là thi rớt đại học mới làm nông.
Một điểm khác, Việt Nam trong thời gian dài nhờ các nước giúp khá lên, các cá thể khá lên, nhưng rồi các cá thể không liên kết lại, mạnh ai nấy làm thì không đi tới đâu. Trong thời buổi hội nhập hàng hóa nông nghiệp phải đi vào các siêu thị hoặc các nhà phân phối mới làm giàu, còn vào chợ “chồm hổm” chỉ cốt sống qua ngày.
Tối thiểu trong cả nước sẽ có 6.300 ha đất người dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp
Vì vậy, trong rất nhiều lần sẻ chia trên các diễn đàn cũng như những cuộc tiếp xúc trực tiếp, tôi vẫn luôn khẳng định rằng, vai trò quy hoạch của Chính phủ là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải tiến hành quy hoạch, xem thị trường trong nước, quốc tế để tạo ra được bản đồ quy hoạch động. Chắc chắn trên thế giới nhu cầu về gạo sẽ giảm đi nhưng thịt cá, trứng tăng lên, tức bò, heo, gà… phải có thức ăn, tinh và xơ, điều đó cũng có nghĩa là “bớt lúa tăng cỏ” cho gia súc. Ví dụ như ở lãnh thổ Đài Loan, nếu trồng toàn lúa thì không bán hết được nên họ trồng một phần lúa, còn lại trồng cỏ để nuôi bò. 1 ha cỏ có giá trị gấp 4 lần 1 ha lúa! Vì thế chúng ta không nên chỉ trồng lúa!
Nông nghiệp Việt Nam ít nhất phải được sánh ngang hàng với các lĩnh vực kinh tế khác.
Trong ngành mía đường của Thái Lan, một tập đoàn tư nhân mỗi năm bỏ ra hàng triệu USD cho nghiên cứu khoa học. Tất nhiên bên cạnh đó Chính phủ Thái Lan có hỗ trợ, nhưng bản thân tập đoàn phải lo, làm sao có một chuỗi giá trị kỹ thuật nhằm đảm bảo cho nông dân có lời. Chưa hết, Thái Lan có hẳn một trường đại học về mía đường, ở Ấn Độ tiểu bang nào có cây mía là có chương trình đào tạo về cây mía. Ngược lại, Việt Nam có một viện nghiên cứu mía đường nhưng ngân sách quá mỏng, mỗi năm sử dụng khoảng 2 tỷ đồng, không có nghiên cứu gì đáng kể. Cây lúa cũng vậy, nhiều nơi nghiên cứu, nhưng thực ra cũng “què quặt”. Do vậy, nhà nước phải đóng vai trò đầu tàu, hoạch định chiến lược, bơm vốn ra mới thu hút được nguồn lực xã hội tham gia đầu tư.
Tiếp đó, chúng ta cần có những “nông dân lớn”, như liên kết 4 nhà để lập ra cánh đồng mẫu lớn. Tất cả các nông dân này cùng làm đúng quy trình; đầu tư khoa học kỹ thuật, tiếp thị sản phẩm ra thế giới… Lúc đó mới nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế được. Đã hội nhập thì trong đầu phải luôn luôn nghĩ đến cạnh tranh. Hộ nông nhỏ phải đổi mới, trở thành một bộ phận của “nông dân lớn”, chứ không theo cách làm cũ. Từ đó sẽ phát triển nhanh hơn, nông dân giàu nhanh hơn, đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn, đất nước sẽ nhanh giàu hơn.
Thú thật, ước mơ về nông nghiệp, nông thôn của tôi đơn giản lắm. Nó đã thực tế ở rất nhiều nơi trên thế giới rồi. Đấy là thu nhập, vị thế, quan trọng nhất là tạo cơ hội công bằng, phát huy thế mạnh cạnh tranh cho cư dân nông thôn phát triển không khác gì ở đô thị. Như lời nhận xét của Michael Porter - nhà hoạch định chiến lược và cạnh tranh hàng đầu thế giới rằng, lợi thế so sánh duy nhất của Việt Nam là nông nghiệp. Muốn nền kinh tế thị trường phát triển, trước hết anh phải dựa vào lợi thế so sánh của mình đã. Như vậy, nông nghiệp ít nhất phải được sánh ngang hàng với các lĩnh vực kinh tế khác.
GS Võ Tòng Xuân/ Diễn đàn doanh nghiệp
Không có nhận xét nào: