VINAGRI News - Từ một phát hiện tình cờ, cây vải thiều đã được đưa trồng trên đất Tây nguyên với năng suất cao hơn so với quê gốc của nó.
Vườn vải thiều của chị Mận vào mùa ra hoa - Ảnh: T.N.Q
Dưới cái nắng chói chang mùa khô cao nguyên, vườn vải thiều của gia đình chị Đinh Thị Mận (P.Thiện An, TX.Buôn Hồ, Đắk Lắk) vẫn xanh tươi. Chị Mận cho biết năm nay nhờ thời tiết rét đậm trước Tết Nguyên đán mà vườn vải ra hoa đều và nhiều hơn hẳn mọi năm, hứa hẹn một vụ thu hoạch trúng lớn.
Câu chuyện trồng vải thiều đại trà của gia đình chị Mận bắt đầu từ một phát hiện thú vị. Vợ chồng chị quê gốc Ninh Bình, vào Đắk Lắk lập nghiệp đầu những năm 1980. Một dạo năm 1991, chị về quê, đem vài cây vải giống vào trồng thử trong vườn nhà, cây lên xanh tốt nhưng gần chục năm vẫn không có trái. Một lần chị quét sân, dồn rác vào dưới tán một cây vải rồi đốt, ngọn lửa làm cháy sém gốc cây. Lạ thay, vài tháng sau, cây vải này lại ra hoa rộ, rồi kết trái lúc lỉu khắp thân cành. Đem phát hiện này kể cho những người trồng vải ở quê, chị Mận mới vỡ lẽ khi được giải thích. Hóa ra, cây vải ở ngoài bắc vốn sống ở các vùng đất xấu, khô cằn, khi vào cao nguyên gặp đất đỏ màu mỡ nên cây tươi tốt nhưng lại “đực” ra, không chịu “sinh đẻ”. Muốn vải có trái, phải tìm cách tác động, hãm cho cây thiếu dinh dưỡng một thời gian ngắn để kích thích cây ra hoa.
Theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm và tìm hiểu thêm tài liệu kỹ thuật, chị Mận áp dụng cách “xiết nước” cho vải, tức dùng dao sắc tạo một rãnh sâu quanh vỏ gốc cây vải, ngăn cản chất dinh dưỡng từ gốc lên thân cành. Vào tháng 9 hằng năm, cây vải nào được “xiết nước” thì từ tháng 12 trở đi cây bắt đầu bung hoa, đậu quả.
Phấn khởi với cách làm cho vải ra trái đơn giản mà hiệu quả, từ năm 2007, vợ chồng chị Mận quyết định trồng vải đại trà. Đến năm 2012, người dân trong vùng không ngớt trầm trồ khi chị Mận thu hoạch hơn 20 tấn vải, thu nhập tới 600 triệu đồng. Đến nay, chị có hơn 4 ha vải, trong đó 2 ha thu trái ổn định, dự kiến vụ 2014 này đạt sản lượng từ 30 - 35 tấn trái, doanh thu ước khoảng 1 tỉ đồng, cao gần gấp 3 lần so với thu nhập từ trồng cà phê. Chị Mận chia sẻ: “Vải trồng ở Tây nguyên ra hoa vào mùa khô có năng suất cao nhờ tỷ lệ đậu quả cao, ít bị hư hại do mưa phùn như ở các tỉnh phía bắc. Điều thuận lợi nữa là vải ở đây chín sớm nên bán được giá, trước gần một tháng so với thời điểm vải từ miền Bắc bắt đầu đưa vào”.
Theo chị Mận, vải thiều trên cao nguyên trái vụ, thị trường rộng lớn nên không lo “dội chợ”; nếu nhiều người cùng trồng vải thì trong tương lai sẽ có sản lượng đủ dồi dào để xây dựng thương hiệu vải đặc sản cho vùng đất Đắk Lắk.
Trần Ngọc Quyền/ Báo Thanh Niên
Bài viết liên quan:
Tự tạo cơ hội - Kỳ 10: Không thuộc lĩnh vực nông nghiệp nên chúng tôi không cập nhật.
Tự tạo cơ hội - Kỳ 9: Lập phòng nuôi cấy mô cho hoa cúc
Tự tạo cơ hội - Kỳ 8: Trồng rong nho trong vỉ lưới
Tự tạo cơ hội - Kỳ 7: Đưa rau VietGAP ra tận chợ
Tự tạo cơ hội - Kỳ 9: Lập phòng nuôi cấy mô cho hoa cúc
Tự tạo cơ hội - Kỳ 8: Trồng rong nho trong vỉ lưới
Tự tạo cơ hội - Kỳ 7: Đưa rau VietGAP ra tận chợ
Không có nhận xét nào: